Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Chuyện dài kế hoạch


Thằng bạn làm kĩ thuật ở công trường xây dựng, mỗi ngày làm cái kế hoạch tiến độ thi công gửi cho chủ đầu tư. Thằng chủ đầu tư đọc kế hoạch, thấy đúng với mong muốn của ảnh thì thôi, không đúng thì một hai kêu sửa cho đúng ý, bất kể hôm đó công nhân nghỉ việc đột xuất, trời mưa, máy hư…nên năng suất không như thường lệ.
Chuyện của nó làm mình nhớ chuyện chạy Tết. Gần như đã thành thông lệ, mấy cái nắp cống hư hỏng cả năm nằm chơ vơ lòi sắt, mấy cái trụ đèn mất nắp lòi mấy dây điện chắp nối lộ cả ruột đồng cứ chỏng chơ mặc cho bao đơn thư kêu gào sửa chữa là thế, chả ai buồn mó tay vào. Tầm cuối năm, những thứ hư hỏng kia, cùng với đường sá vỉa hè cây xanh chiếu sáng vẫn còn đang tốt, bị ào ào cuốn lên dặm vá nâng niu tô trát trong cơn lốc đào bới không cách gì ngăn nổi.
Lần mò lên căn nguyên, mới hay thế sự trên đời có thứ được đặt tên là kế hoạch. Là vầy, các ông các bà cứ tự tưởng tượng chuyên trên trời dưới đất địa phương cơ quan tổ chức mình năm tới xảy ra thứ gì theo kiểu năm sau cao hơn năm trước. Đèn vẽ chuyện đèn, hoa vẽ chuyện hoa cống vẽ chuyện cống….Xong xuôi ai nấy xí phần được một cục vốn. Sẽ đẹp đẽ biết bao khi chuyện đời chuyện trời nó diễn biến rầm rập tuyến tính như các vị xin vốn đã hình dung. Éo le thay, ông xin tiền chống 5 trận bão nhỏ thì gặp phải 10 trận bão to. Cụ xin tiền sửa 100km đường như thường lệ thì năm nay đường bỗng tốt lạ thường không thấy hỏng. Bác pháo hoa hội hè đình đám thì cứ đếm đủ lễ hội theo lịch để nhân với đơn giá rồi theo đó mà lấy đủ vốn, bất chấp sức khỏe của nền kinh tế nó mạnh yếu thế nào.
Cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người ta quyết toán cái đồng vốn kế hoạch kia theo đúng diễn biến cuộc sống là thiếu xin thêm dư trả lại. Nhưng vấn đề là, khi cuộc sống lỡ chạy theo một đường đi không theo con đường kế hoạch, người ta lại đẽo gọt cuộc sống cho vừa với hình dung của mình. Bi kịch của kế hoạch vốn bắt đầu từ đó. Bi kịch có thể từ một chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh của trẻ con ở trường mẫu giáo hư nhưng không sửa được hay lớn hơn tí là chuyện một lan can cầu bị xe tông sập vẫn cứ trơ trơ giữ nguyên hiện trường. Ở chiều ngược lại, bi kịch là những vỉa hè những mặt đường đang láng ơ sạch bóng, được vô tư tháo lên đặt xuống, tô trát thêm một tí màu mè. Hoặc khi cả nước đang cơn thắt ngặt, mua sắm cái ăn cái mặc tiện tặn từng đồng, thì những trang trí phù du xanh xanh đỏ đỏ đường hoa pháo hoa xe hoa dương dương phô bày đỏng đảnh với lời trấn an ngó pháo quên nghèo, bão cuốn tan hoang nhưng người người hân hoan ngắm pháo.

Cái vòng kế hoạch bên Tây Plan-Do-Check-Act, hội nhập vào văn hóa Vịt, hình như trở thành Plan-Play-Fix-Eat.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét