Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Tiếng nước tôi


Nhân cả nước chuẩn bị nô nức kéo nhau học tiếng nước lạ trong những ngày thê lương í lộn hân hoan sắp tới, tui bỗng tự hỏi, thứ tiếng tốt nhứt của đời người là thứ tiếng gì?
Xưa Tàu chiếm Việt từ năm 43 đến tận năm 938 mà phải chịu lui về trả đất vì dân Việt bấy giờ đếch chịu nói tiếng Tàu. Nhưng Chiêm Thành vĩnh viễn chỉ còn trong ký ức nhân loại chỉ vì trong vòng có mấy chục năm dân xứ ấy bị buộc nói tiếng Việt dưới chính sách cai trị của Minh Mạng, dù trước đó 500 năm vẫn tươi cười sống khoẻ dưới ách đô hộ của Đại Việt.
Sáng vừa mở mắt bỗng nghe văng vẳng bài hát lừng danh của Phạm Duy "tôi yêu tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ thuở nằm nôi". Thế là bừng ngộ thứ làm nên tui và các friend tui chính là "tiếng nước tôi".
Và thứ "tiếng nước tôi" tốt nhứt của đời người chính là tiếng con gái ê a hỏi: cha, đi chừng nào dzìa dzậy😍.
Ôi, một câu nói "thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi. Nước ơi!"

Truyền thống


Khi một đứa trẻ sinh ra từ một bà mẹ đơn thân, hoặc có chồng nhưng người cầm quyền không công nhận, hoặc đứa trẻ đó sinh đôi, hoặc nó mọc răng trên trước khi mọc răng dưới, thì chuyện gì sẽ xảy ra với đứa trẻ đó?
Nó sẽ phải chết. Vì sao ư? Đơn giản, vì truyền thống tin rằng đứa trẻ đó mang lại điều không tốt cho làng.
Làng đó chính xác ở thung lũng sông Omo xinh đẹp thuộc đất nước Ethitopia. còn truyền thống đó thì vẫn đang hiện hữu cướp đi hàng chục sinh mạng trẻ vô tội mỗi năm, bất chấp pháp luật ngăn cấm của nước này.
Thế mới biết, cái gông cùm của truyền thống nó giam hãm con người thế nào. Loài người mãi mãi chỉ săn bắt hái lượm nếu vững tin vào truyền thống tốt đẹp của chiếc rìu đá, như bộ tộc Kara, Bena và Harmer hiện giờ ở Ethitopia.
Chợt toát mồ hôi với một xứ sở ngập tràn truyền thống. Một trong những truyền thống đầy tự hào đó là tuyến đường sắt được xây dựng từ thời kì được nhà nước Pháp bảo hộ đến giờ vẫn hầu như nguyên vẹn. Nguyên vẹn đến mức hành khách đại tiện vẫn có thể thơ thẩn ngắm đường ray để tung tóe hoa cải vàng vương áo ai trong chiều gió lộng.
Gần đây tự dưng bạn ít thù nhiều, chắc do lỡ không tin vào truyền thống anh hùng Tám Lê Văn.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Note ngày 28 tháng 6 năm 2016

 
Nguyễn Tường Bách, khi diễn giải một đoạn trong Trường Bộ Kinh, đi đến kết luận: sinh con đẻ cái trong tình trạng bình thường không hề là chuyện tầm thường, mà đó là sự hòa quyện không gì sánh được giữa một bên là cha mẹ, với một bên là sinh vật được sáng tạo mới. 
Kinh Cựu ước, phần khởi nguyên, viết: hết ngày thứ sáu, sau khi tạo dựng xong trái đất xinh đẹp, Thiên Chúa quyết định sáng tạo ra thứ vĩ đại nhất từ trước đến giờ: tạo dựng con người.
Như vậy, nếu xem cuộc sống là một chuỗi những phép màu như Einstein thì con cái chính là một món quà kết tinh từ phép màu sáng tạo của Chúa dành tặng cho những người được chọn.
Năm 2008, giữa lúc chông chênh đức tin mịt mùng mục đích, tui đã được Chúa chọn tặng một món quà như vậy, để liên tục từ đó, tui nhận ra sứ mệnh của mình là đưa đón cục quà đó đi học mỗi ngày.
Suốt 8 năm thực hiện nghiêm chỉnh sứ mệnh này, cách nay 9 tháng, tui tiếp tục nhận được một dấu hiệu từ Chúa.
Hôm qua, Chúa, hiển lộ phép màu của mình thông qua đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao y đức cũng cao, trong một cơ sở vật chất tuyệt vời, đặc biệt là ý chí của người phụ nữ quyết không làm người tầm thường, đã lại trao tiếp cho tui một món quà vĩ đại.
Món quà ấy nặng 3,6kg.

Coi phim cậu bé rừng xanh

Coi phim hoạt hình cậu bé rừng xanh mấy tuần trước trên tivi, tui có mấy thắc mắc là mắc mớ gì mà con cọp Shekhan cứ nằng nặc đòi giết cậu bé Mogli dẫu cậu đã rời khỏi đàn sói; mắc mớ gì mà con rắn cứ thích thôi miên; và con khỉ vua bắt Mogli về hang là để làm gì. Tự thấy thắc mắc này trẻ con quá nên tui đoán đây chắc cũng chỉ là những tình tiết dặm thêm cho đầy phim.
Phim có cảnh đánh nhau giữa báo, gấu với hổ, nên khi hôm nay phim này ra rạp bản 3D tui xông pha coi liền nhằm thưởng thức những màn quyết đấu.
Nhưng trái ngược hoàn toàn với mong đợi của tui, cái được hơn nhiều so với những màn đánh nhau và đại cảnh vốn đã rất hoành tráng, là 3 câu hỏi vớ vẩn của tui đã được những người làm phim lần này trả lời hết sức thoả đáng và minh triết.
Câu hỏi lớn nhất, tại sao hổ Shekhan muốn giết Mogli, được trả lời trong trận thư hùng giữa cậu bé và hổ, thể hiện tầm nhìn xứng đáng là lãnh chúa rừng xanh của Shekhan: Ta biết ngươi là ai, chỉ ta mới thấy được tương lai ngươi sẽ trở thành như thế nào. Cứ y như Tào Tháo nhận ra chân tướng Lưu Bị làm ông này phải bỏ chạy thục mạng về đất Thục.
Còn vua khỉ Louis, vốn xưng hùng một phương sánh ngang Shekhan, không hề bắt Mogli về để làm trò mua vui mà cũng để nhắm tới mục tiêu vô cùng lớn: đoạt được lửa và trở nên đứng đầu chuỗi thức ăn. Đoạn phim tưởng là mua vui ở phiên bản trước giờ hoá ra có một tầng nghĩa vô cùng...chính trị, hehe.
Câu hỏi cuối cùng của tui, về sở thích thôi miên của nàng rắn. Sự thật là nàng rắn không thôi miên, nàng ấy chỉ muốn kể chuyện, câu chuyện bí mật đầy cảm động về nguồn gốc của Mogli. Mogli mê man vì đôi mắt thôi miên của loài rắn hay vì hình ảnh đầy bi tráng của cha mình trong đôi mắt ấy tui không biết nữa, nhưng nếu em ấy chết trong khi đi tìm thân phận của mình thì kể ra cũng đáng.
Bộ phim hoạt hình nhưng truyền thông điệp về nhiều phong cách lãnh đạo, kiểu dân chủ như Obama của gấu Baloo, kiểu kỷ luật Nhật bản của báo Beccura và ghê rợn nhất, kiểu độc tài phát xít như các hoàng đế Trung Hoa tận diệt đối lập của hổ Shekhan.
Nhưng vượt lên trên tất cả các kiểu lãnh đạo ấy cộng lại, là kiểu lãnh đạo dấn thân, được biểu tượng qua hình ảnh một Mogli nhỏ thó can đảm buông bỏ vũ khí duy nhất của mình là ngọn đuốc, để đường hoàng đấu với hổ với tư cách không là một con người. Và với phong cách đó, chàng trai đã thống nhất được mọi thành phần của rừng xanh tham gia đối đầu với hổ.
Cuộc chiến ấy dĩ nhiên phần thắng thuộc về chàng trai, kiểu David thắng Golliat ấy mà. Nhưng, vì đời không như là phim😛, nên dấn thân đương đầu với hổ mà xung quanh không có báo gấu dũng mãnh và một đàn sói hung hãn tận lực phò trợ thì bị xé xác như chơi, hihi😨🤕🤕.

Túy thơ

Sài Gòn đêm
Dập dìu xe cộ
Gã chủ quán bia mặt như giang hồ
Lững thững
Đón khách Tây
Chàng vé số buồn ngây
Bò lê tận cuối ngày
Bán lòng thương hại
Những vòng xe đạp nhẫn nại
Lỉnh kỉnh chào mời khô mực, thắt lưng.
Bọn trẻ trâu mắt sưng
Dắt díu tìm thiên đường trác táng
Thanh tra giao thông
Mặt mày bóng nhoáng

Toét còi đuổi người tỏ vẻ sạch trong
Người đàn ông
Tươm tất tật nguyền
Giải cơn khát bên thùng nước từ thiện
Sài Gòn đẹp xấu bao nhiêu là chuyện
Có vẻ hững hờ
Mà lại quá bao dung
Đất nước đâu cần có anh hùng
Dăm mảnh đất như Sài Gòn là đủ
Thành phố không ngủ
Thức đón gã khùng ăn đậu phọng uống ken.
Tèng teng.

Lượm lặt thơ

Mùa về lúa chín rạ thơm
Nắng vờn mặt ruộng gió mơn man đồng
Rập rờn sao nháy khoe bông
Lung linh chiều muộn mênh mông sắc vàng

Bé ngồi tập vẽ bên sông
Đèn soi bút sáp gió lồng tóc mai
Hoa cười lúng liếng bên vai
Mai sau em sẽ thành tài họa sư



Trước nhà một đóa hướng dương
Sau nhà nở một con đường đầy hoa
Ngỡ ngàng lữ khách phương xa
Hiền hòa sông nước thật thà người quê
An nhiên một chốn quay về
Bình an bầu rượu, câu xề vọng lang.


Ngoác mồm lên hỏi trời xanh
Ngày mai sự nghiệp bại thành ra sao
Trời rằng đời giấc chiêm bao
Lên voi xuống ngựa thấp cao khó lường
Đạo Ma vốn dĩ một phường
Sống cho lương thiện, vô thường an vui.



Sương mù giăng trắng đỉnh Bà Nà
Tôi đứng an lành dưới Thích Ca
Tôi nhớ chuyện xưa ngài Ca Diếp
Mỉm cười tự tại với cành hoa.

Vũ trụ vẫn quay vòng nhân quả
Luân hồi sáu nẻo kiếp phù sinh
Phật Ma mê ngộ vay rồi trả
Tự cổ vô minh cũng chữ tình





Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Thầy Nhất Hạnh nói về cốt tủy Phật giáo

Phóng viên Andrea Miller hỏi : 
- Ông nghĩ rằng điều gì sẽ khiến ai đó trở thành tín đồ Phật giáo?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh : 
Một người có thể không được gọi là tín đồ Phật giáo, nhưng anh ta vẫn có nhiều phẩm chất Phật giáo hơn cả một tín đồ. Phật giáo tạo thành từ niệm, định và tuệ. Nếu có những đặc điểm này, bạn đã là một người theo Phật giáo rồi. Nếu không thì không phải vậy.
Khi bạn nhìn vào một người và thấy người đó có niệm, định và tuệ thì bạn biết rằng đó là một người theo đạo Phật. Nhưng ngay cả khi đó là một ni cô và người này thiếu các năng lượng, phẩm chất kể trên thì khi đó cô ta chỉ có ngoại hình của một người theo đạo Phật chứ không có cái cốt cách của một người theo đạo Phật.
- Liệu việc thường xuyên hành lễ có thể biến ai đó thành người theo đạo Phật?
Không, bạn không thể thành người theo Phật giáo chỉ bằng việc hành lễ. Để làm vậy bạn phải chăm tu tập. Người theo đạo Phật hiện vướng vào khá nhiều nghi thức, lễ bái, nhưng Đức Phật không thích điều này.
Trong các đoạn kinh Phật, đặc biệt là những lời răn dạy của Đức Phật ngay sau khi ngài trở nên giác ngộ, ngài nói rằng chúng ta phải thoát khỏi các nghi lễ. Bạn không thể trở nên giác ngộ và giải thoát chỉ nhờ thực hiện lễ bái.
Nhưng người ta đã khiến đạo Phật đi tới chỗ có quá nhiều nghi lễ. Chúng ta đã cư xử không hay với Đức Phật.
- Liệu người ta có phải tin vào sự tái sinh để trở thành một người theo đạo Phật?
Tái sinh có nghĩa một linh hồn rời khỏi cơ thể bạn và đi vào thể xác khác. Đây là suy nghĩ rất phổ biến, nhưng lại rất sai lầm về sự nối tiếp trong Phật giáo. Nếu bạn nghĩ rằng có một linh hồn, một bản ngã, tồn tại trong một thể xác và linh hồn đó thoát ra ngoài khi thể xác không còn nữa và rồi biến thành một dạng sống khác, thì đó không phải là lối tư duy của Phật giáo.
Khi bạn nhìn vào ai đó, bạn sẽ thấy ngũ uẩn, hay các yếu tố tạo thành con người: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Không có linh hồn, thể xác nào bên ngoài 5 yếu tố này.
Vì thế khi 5 yếu tố này tan rã, thì nhân quả hay các hành động mà bạn đã thực hiện trong cuộc sống chính là sự tiếp nối của bạn. Những gì bạn đã làm và suy nghĩ vẫn sẽ còn đó như một dạng năng lượng. Bạn không cần một linh hồn hoặc một thể xác, để tiếp nối.
Chuyện giống như một đám mây vậy. Ngay cả khi đám mây không có ở đó, trời vẫn tiếp tục mưa hay có tuyết. Đám mây không cần phải có một linh hồn để nối tiếp. Không có sự khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc. Bạn không phải chờ cho tới khi thân xác này tan thành cát bụi mới có thể tiếp nối. Thực ra bạn đã tiếp nối trong từng khoảnh khắc.
Giả dụ như tôi đã truyền năng lượng tới hàng trăm người, họ sẽ tiếp nối tôi. Nếu nhìn vào họ và bạn thấy (hình bóng) tôi hiện ra thì thực sự bạn đang trông thấy tôi đó. Nếu bạn nghĩ rằng tôi chỉ là thể xác này (ngài chỉ tay vào mình) thì bạn vẫn chưa trông thấy tôi đâu.
Khi bạn thấy tôi trong các bài phát biểu, bạn hiểu rằng người khác đã tiếp nối cuộc sống của tôi. Khi bạn nhìn vào các học trò, các đệ tử, những cuốn sách và bạn bè tôi, bạn sẽ thấy sự tiếp nối của chính tôi.
Tôi sẽ không bao giờ chết. Thân xác này có thể tan thành cát bụi, nhưng điều đó không có nghĩa tôi đã chết. Tôi sẽ tiếp tục (sống mãi), luôn là như vậy.
Và điều này là đúng với tất cả chúng ta.
- Chúng ta có thể làm gì với mức độ chủ nghĩa vật chất rất cao đang tồn tại hiện nay?
Bạn có thể thiết lập một môi trường nơi người ta sống đơn giản, hạnh phúc và mời những người khác tới quan sát. Đó là điều duy nhất có thể thuyết phục họ từ bỏ ý tưởng hạnh phúc dựa trên vật chất.
Họ luôn nghĩ rằng chỉ khi có rất nhiều thứ để tiêu thụ, người ta mới hạnh phúc. Nhưng rất nhiều người không hạnh phúc dù họ rất giàu có. Và rồi còn có những người tiêu thụ rất ít, song họ hạnh phúc hơn rất nhiều những người kia.
Chúng ta phải thể hiện được rằng sống đơn giản kết hợp với tu tập theo Phật pháp mang tới một cuộc sống rất đủ đầy, bởi người ta sẽ không thể tin tưởng cho tới khi họ tận mắt chứng kiến và trải nghiệm.
Tại Làng Mai, chúng tôi đã cười đùa vui vẻ suốt cả ngày, nhưng không một ai trong số chúng tôi có tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu cá nhân. Không ai trong số chúng tôi có xe hơi hoặc điện thoại riêng. Chúng tôi chỉ ăn chay. Nhưng chúng tôi không khổ sở vì việc không ăn trứng, thịt.
Thực tế chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều vì biết rằng mình không ăn các sinh vật sống và đang bảo vệ hành tinh này. Điều đó mang tới rất nhiều niềm vui. Chúng tôi rất may mắn khi có thể sống như vậy, có thể ăn như vậy.
Có một niềm tin rằng trừ phi anh có rất nhiều tiền, trừ phi anh nắm vị trí cao trong xã hội, anh sẽ không thể hạnh phúc. Rất khó để thoát khỏi niềm tin này cho tới khi bạn thấy sự thực rằng sự hạnh phúc có thể tới theo cách thức khác. Nhìn thấy điều đó sẽ đảm bảo tương lai cho con cháu chúng ta.
Vì thế tôi nghĩ tới các vòng tròn luân hồi trong Phật giáo, nơi chúng ta có thể tái tổ chức lại để cho mọi người thấy cách thức sống hạnh phúc dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau, không dựa trên chủ nghĩa vật chất.
Chỉ giảng Phật pháp vẫn chưa đủ, bởi giảng pháp vẫn chỉ là lời nói mà thôi. Chỉ khi người ta thấy những thứ như một cộng đồng phi vật chất, khi tận mắt chứng kiến một cách sống như thế, họ mới thực sự bị thuyết phục và tin tưởng.

KẾT LUẬN NHỎ CHO KHÁI NIỆM LỚN: ĐẠO ĐỨC KINH DOANH



Biết được một điều gì đó đúng đạo đức đã khó, nhưng làm điều có đạo đức càng khó hơn. Đơn giản, bởi như đã định nghĩa, nguồn gốc của đạo đức chính là mâu thuẫn. Đó có thể là mâu thuẫn tự thân, giữa những điều đã được khắc sâu trong tâm trí với hiện trạng xã hội bên ngoài. Đó có thể là mâu thuẫn giữa tổ chức  vì những khác nhau  về quan niệm, xung đột về lợi ích. Vì vậy, nhà khai sáng giáo dục Đức, Wilhelm von Humboldt (1767-1835) đã chủ trương một đường lối giáo dục với khái niệm gọi là ”bildung”, đó là: ”giáo dục nhân cách, giáo dục con người hành động tự do, tự bảo tồn mình và trở thành một thành viên của xã hội, nhưng vẫn có thể giữ vững một giá trị nội tại cho chính mình”. Nói như Herger là (theo Trò chuyện triết học – Bùi Văn Nam Sơn):
 ”Chúng ta là những con người trước đã, rồi mới trở thành những kẻ hành nghề! Khi con dao đã được mài sắc, nó mới có thể cắt đủ mọi thứ được.”
Thế kỉ XX, chí sĩ Phan Chu Trinh cũng đã từng chủ trương khai phóng tư tưởng người dân để giải phóng dân tộc. Với khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ông đi theo con đường giáo dục ý thức công dân tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập tự chủ, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái. Ông thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục.
Như vậy, để một doanh nghiệp có đạo đức kính doanh và thực hiện đạo đức đó ra cộng đồng, điều cốt yếu chính là giáo dục con người. Vì, con người chính là trung tâm của sự phát triển. Và, giáo dục con người như thế nào để có đạo đức, không gì khác hơn chính là thực hiện đường lối giáo dục của Humboldt và Phan Chu Trinh.
Xã hội Việt Nam hôm nay có quá nhiều chuyện đau lòng được các chuyên gia cho rằng yếu tố văn hóa và giáo dục đóng vai trò quan trọng, phải chăng do mỗi cá nhân thiếu một ”giá trị nội tại cho chính mình?”
Ở góc độ vĩ mô, như ví dụ nhà thầu JTC hối lộ ở phần trước thì đạo đức của chính phủ chính là thiết kế một thể chế sao cho quyền lực không bị tha hóa, bởi theo triết gia người Anh Lord Acton: Quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối. Thể chế nào làm được điều đó? Rất may mắn, ở thế kỉ XVIII, cũng một triết gia người Anh là John Locke (1632–1704), nhà tư tưởng lớn đã mang lại cảm hứng cho bản tuyên ngôn độc lập lừng danh của Hoa Kì đã khai sáng ra một thể chế như vậy.  Đó là các 3 quyền lực cơ bản của Nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập ngang nhau và giám sát lẫn nhau.
Trên con đường phát triển tiến tới mục đích tối hậu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thật may mắn, đất nước ta cũng đã quyết tâm theo đuổi một chính quyền như vậy, như thông điệp năm 2014 thể hiện tầm nhìn của thủ tướng chính phủ Việt Nam:
“Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.
Với thể chế chất lượng cao ấy là:
   + Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.
   + Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.
Chúng ta đặt trọn niềm tin vào điều ấy. Vì một Việt Nam phồn vinh và nhân văn.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Tâm tướng hay chân tướng

"Chúng ta thật giống nhau, chúng ta đều tin tưởng tuyệt đối vào những gì chính mắt chúng ta nhìn thấy".
Câu nói như một lời xin lỗi của Huyền Trang gửi đến Ngộ Không sau trận xung đột kịch liệt về một cái chết, mà trong mắt của Huyền Trang là một bà lão hiền lành còn trong mắt Ngộ Không là yêu ma xảo quyệt.
Ngộ Không, với chơn hỏa kim tinh, đã nhìn thấu chân tướng sự vật, còn Huyền Trang, mắt thịt người phàm chỉ nhìn được sự vật như nó diễn ra.
Câu hỏi cốt lõi là:nhìn ra chân tướng sự vật nó có thực sự tốt hơn là nhìn sự vật như nó hiện hữu hay không?
Cái ác, xuất hiện dưới hình hài dữ tợn pháp thuật siêu phàm, cuộc chiến chống cái ác là một cuộc chiến của tay chân của võ công, dẫu khó khăn cách mấy, nó cũng là cuộc chiến với đối thủ bên ngoài.
Nhưng khi cái ác hiện hữu trong hình hài một bà lão nhơn từ hay đứa trẻ bi bô, chống lại cái ác, lúc này có lẽ là cuộc chiến của ý thức, của suy nghĩ về các giá trị. Đó là cuộc chiến mà người ta rất dễ lập lờ nhân danh. Bởi nỗ lực giết một con quỷ, có khi ta đã trở thành một con quỷ dữ tợn hơn nhiều. 

Nếu như phần 1 khai thác những pha đánh đấm đập phá rất hoành tráng bởi võ công tương đương của Ngộ Không, Ma vương với Ngọc hoàng thì phần 2 này yếu tố xuất sắc không nằm ở màn uýnh nhau.
Đó là pha xuất hiện đầy nghĩa khí của Bạch cốt tinh trực diện với Ngộ Không để đưa ra một thỏa hiệp. Thỏa hiệp đầy bản năng của Bạch cốt tinh đưa ra đã đánh động toàn bộ các giá trị mà Tôn Ngộ Không đang theo đuổi và tưởng mình là anh hùng. Rốt cục thì Ngộ Không liều mình sống chết vượt mọi gian nan hộ tống Đường tăng thỉnh kinh là vì giải thoát cho nhân loại hay giải thoát cho cái đầu của chính mình đang bị vòng kim cô của Đường tăng siết chặt?
Câu hỏi chí tử đã làm cho toàn bộ cuộc chiến của Ngộ Không với yêu ma đều trở nên vô nghĩa. Bạch cốt tinh thật trí tuệ đã hết sức tự tin nhìn đối thủ của mình đau đầu còn hơn bị siết vòng kim cô khi đối diện với chân tướng chính mình.
Câu hỏi cốt lõi lại bật ra vô thức: rốt cục thì cái gì mới là chân tướng? Nhìn thấy núi sông là núi sông và núi sông không là núi sông, nhãn quan nào mới là đạt đạo?

Một gã nghiện rượu dở hơi nghe hỏi bỗng nhăn răng ra cười: Hỏi ngu, thấy cái gì không quan trọng, quan trọng là đừng có mà thấy khác những thằng nhiều phép hơn hay có thần chú, nếu không muốn bị núi đè hay nổ tung óc.