Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Chuyện chống ngập

Nhân báo chí đăng hình ảnh một ngôi nhà mà cái mái của nó gần bằng mặt đường, người dân vào nhà mình phải chui như chui vào hang chó, tui chợt nhớ chuyện gần chục năm trước.
Hồi trẻ trâu có thời tui kiếm sống bằng nghề nâng đường kiểu này. Tên của công trình thì rất đẹp là "chống ngập cho..." và tên dự án thì đầy mỹ miều là Nâng cấp đô thị. Bọn dính dáng tới dự án như cho tiền như thiết kế gì gì đó thì toàn Mỹ châu Âu Nhật Bản rất hoành tráng, lương chuyên gia những chục ngàn đô, 1 tuần chỉ nhất quyết làm 30 giờ, ngoài giờ làm việc chỉ đi bar nhất quyết không nghe điện thoại. Tui được bọn chúng quăng cho vài đồng bạc thông qua một cty cóc ké TNHH 2 VC với chức danh rất Tây là Drafsman, dịch tiếng Việt là Vẽ mướn. Thế nhưng chức danh rất Tây này do được kí tên chung với mấy anh chuyên gia chục ngàn đô nên làm tui lân lân trên mây. Mặt mày hếch lên thẳng tay xổ toẹt mấy lệnh Line tô đậm là cái con đường của mình, đưa toàn bộ nhà cửa xung quanh vào lớp gọi là Kemeno, cho color màu số 8 xám xịt chơi. Rồi in rồi duyệt rồi thi công rồi xài. Thế là ra cái thứ như bài báo viết
. Hồi đó chưa có facebook nên tui không biết người ta căm hận cái đám vô lương tâm vô trách nhiệm đổ rác lên đầu dân như tui này như thế nào. Nhưng quả báo nhỡn tiền. Chưa đầy chục năm, nhà tui lại được một chú trẻ trâu nào đó nâng trục giao thông chính lên mấy thước, đánh hàng ngàn khối nước vốn ở trên đường đó nay lặng lẽ kéo vô ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tui ở đó.
Không nói nâng đường chống ngập không phải là một giải pháp, nó hiệu quả là khác vì tư duy này hầu như không đổi suốt hàng chục hàng trăm năm nay, từ khi loài người biết ngập. Thế nhưng nhìn tổng thể nó là giải pháp đánh bùn sang ao, vì thế chả chống gì mà chỉ mang nước chỗ này qua chỗ khác. Do vậy mà, nó là giải pháp vô trách nhiệm, thậm chí vô luân nếu bất chấp hàng trăm dân nghèo nhà cửa lè tè hai bên con đường ấy.
Các công thức tính lưu lượng thoát nước cho cống, được học từ Liên Xô rất chi ly rất hoành tráng và có vẻ rất đúng. Nhưng, xài nó, ta có một đô thị ngập nước không có điểm dừng như Sài Gòn hiện nay.
Không biết là đã hết trẻ trâu hay chưa, nhưng sau khi coi con gái chơi nhà chòi rót nước từ ly này qua ly khác tui bỗng dưng như Trương Vô Kị quên hết chiêu thức Thái Cực Quyền lĩnh hội một cách, tạm coi như chuộc lại lỗi lầm nhấn chìm nhà dân thời mông muội. Là, cứ coi vũ lượng kế vùng nào mưa cao được bao nhiêu mm thì lấy chiều cao đó nhân với diện tích mặt bằng xây dựng, ra được mét khối nước phải thoát. Cứ thế, ông đường làm mất bao nhiêu nước mưa không thoát được thì đền lại cái cống to ngần ấy. Nhà dân làm mất bao nhiêu nước mưa không thoát được thì xây cái hồ chứa ngần ấy. Sòng phẳng với thiên nhiên. Đặt thành bộ TCVNxxxx-2014.

Tui bán ý tưởng này giá 0đ cho chính quyền. Bán 1tr USD cho cty Thoát nước đô thị.

ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN VÀ NỔI BẬT CỦA TRIẾT HỌC TÂY ÂU THỜI KỲ PHỤC HƯNG VÀ GIAI ĐOẠN THẾ KỈ XVII-XVIII

Kết luận từ một nghiên cứu khoa học hết sức nghiêm túc, của tui - chính chủ:

Thời kì Phục hưng quả là một thời kì bất hủ trong lịch sử châu Âu nói riêng và nhân loại nói chung. Sự phát triển rực rỡ của nó ở tất cả các mặt khoa học, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo đã để lại di sản quý báu đến tận ngày nay. Kết thúc thời kì này (thế kỉ XV-XVI) lại mở ra thế kỉ ánh sáng (thế kỉ XVII-XVIII) phát triển vượt bậc về tổ chức xã hội, từ đó đưa loài người chính thức bước vào thời kì cận đại đầy văn minh và phát triển rực rỡ.
   Cũng như mục tiêu được xác định từ đầu của tiểu luận này, việc nghiên cứu triết học giai đoạn này thông qua tư tưởng các triết gia nhằm đạt hai mục tiêu:
1. Lựa chọn những đặc điểm có giá trị soi sáng văn minh nhân loại và áp dụng nó vào Việt Nam.
2. Rút ra mô hình phát triển chung và vận dụng nó vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
   Thứ nhất, về những giá trị đến nay vẫn còn tác dụng soi sáng cho văn minh nhân loại có thể áp dụng tại Việt Nam là:

1.  Tư duy phản tỉnh và thực nghiệm của Bacon:

Ta không được phép thu hẹp vũ trụ cho vừa vặn với ranh giới của năng lực hình dung của ta, như cách làm quen thuộc trước nay. Trái lại, ta phải mở rộng biên cương của tri thức để đủ sức nắm bắt được chân tướng của vũ trụ”.
   Với mục tiêu tìm kiếm tri thức là để: Hiểu hậu cảnh, hành động có trách nhiệm, quyết định có cơ sở, hoạt động hiệu quả, truyền thông rõ ràng, sống thanh thản, hạnh phúc. (Bùi Văn Nam Sơn).
   Nhưng, thước đo của hạnh phúc là gì?
   Bhutan cụ thể hóa hạnh phúc bằng thang đo: GNH (Gross National Happiness) "tổng hạnh phúc quốc gia" và tuyên bố: Giàu có để làm gì khi mà không hạnh phúc. Quốc vương Bhutan đã không đùa chút nào khi ông xây dựng 4 tiêu chuẩn cho cây thước mà ông tạo ra, đó là:
+ Phát triển đồng đều trong xã hội.
   + Bảo vệ môi trường.
   + Bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống
   + Một thể chế chính trị lành mạnh.
   Giáo sư Cao Huy Thuần trong tạp văn Thênh thang trên đỉnh non cao (sách Thấy Phật – NXB Phương Nam) đã bình luận:
   Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành bất cứ quốc qua nào, nhưng nếu muốn, không quốc gia nào có thể trở thành Bhutan. Giữa thời đại toàn cầu hóa với lối sống đầy vật chất như ngày nay, người Bhutan đã chọn sống đơn giản. Bởi đơn giản nên họ không vội vã. Không vội vã nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc.

2. Tư tưởng đột phá giáo dục của Humbodlt:

   Được Herder diễn giải: “Chúng ta là những con người trước đã, rồi mới trở thành những kẻ hành nghề!
Theo tư tưởng này, việc học nghề đan len cũng quan trọng như việc học chế tạo tàu vũ trụ. Đây là chìa khóa giải vấn đề thừa thầy thiếu thợ tại Việt Nam, cũng như có thể tạo những chính sách dạy sâu về văn hóa để trước mắt khắc phục bệnh thành tích, còn lâu dài tạo ra một thế hệ công dân đầy tự tin đủ sức miễn nhiễm với các giá trị ngoại lai làm tiêu tan bản sắc.
Mặt khác, với ẩn dụ ngẫu tượng cái hang của Francis Bacon, việc giáo dục là giáo dục con người luôn phản tỉnh để tránh những quyết định chỉ thấy cây mà không thấy rừng.
Có một câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa kể. Hôm nọ, Tào Tháo trong một buổi nói chuyện thân tình với các tướng, hỏi: không kể ngũ hổ tướng của Lưu Bị, một mình các ngươi có thể giết được mấy tướng? Các danh tướng Hạ Hậu đôn, Hứa Chữ, Trương Cáp lần lượt đáp: 5, 10, 20. Bấy giờ các tướng hỏi lại Tào Tháo, có ý trêu chọc, thế Thừa tướng giết được mấy tướng? Tào Tháo, rất bình tĩnh, trả lời: Các ngươi cùng lắm là sức địch trăm người. Còn ta đây, dẫu không giết được tướng địch, nhưng kế sách của ta có thể giết được mươi vạn người.

Tào Tháo anh hùng chính là tầm nhìn thấy rừng của mình. Và nhà lãnh đạo đích thực chính là người thấm nhuần tư tưởng ấy. Tầm nhìn thấy rừng có thể là những việc như sau:
Dân tình bị tai nạn giao thông, thăm viếng sẻ chia tặng quà an ủi là là thấy cây, nhưng quy hoạch lại hệ thống giao thông và quyết tâm xây dựng lại nó là thấy rừng.
Lũ lụt miền Trung, cứu trợ là thấy cây, mà xem lại các dự án thủy điện, không khai thác tài nguyên vô tội vạ là thấy rừng.
Nông dân nghèo khổ, hỗ trợ vốn liếng con giống kỹ thuật là thấy cây, nhưng không độc quyền xuất khẩu, xã hội hóa đầu ra lúa gạo là thấy rừng.
Sản phẩm tiêu dùng độc hại gây ung thư tràn lan cả xã hội, truy lùng tịch thu tuyên truyền vận động tẩy chay là thấy cây, nhưng xây dựng được hàng rào bảo vệ ngay tại hải quan tại cửa khẩu bằng kỹ thuật bằng pháp lý bằng con người là thấy rừng.
Kêu gọi từ thiện, bố thí cho một cảnh đời bất hạnh là thấy cây, nhưng có chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo công ăn việc làm làng nghề thu nhập ổn định là thấy rừng.
Ngoảnh mặt với phản biện để đạt đồng thuận cao là thấy cây, nhưng tạo điều kiện cho dân trí tiếp thu tư duy mới, mạnh dạn mở miệng trình bày chính kiến cho đến khi công bằng dân chủ văn minh không còn ai nói tới nữa vì đã sống trong nó rồi thì mới thực sự là có tầm nhìn thấy rừng.
Liên tục vài năm gần đây, xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều vụ trọng án giết người kinh hoàng, trong đó những vụ cha giết con, vợ đốt chồng, rồi chặt người giấu xác liên tục được báo chí giật tít gây sốc. Liên tục xuất hiện, đập vào mắt vào ý người đọc là những tình tiết nhỏ nhặt đến mức như xem một cuốn phim quay chậm sự man rợ của tội ác, tựa bài thì được đặt cực sốc sao cho phải câu được view nhiều hơn đối thủ. So với các sự kiện văn hóa chính thống có tính giáo dục như một buổi hòa nhạc, một buổi ra mắt sách, giới thiệu một phòng tranh...thì các tin tức giật gân vào đời tư giới showbiz hầu như át hết. Người ta chỉ còn thấy những lộ hàng, những clip nóng, những tranh cãi vớ vẩn đẫm đầy trang báo. Mầm mống tội ác chính từ đó mà ra. Biết điều ác để tránh là đúng, nhưng ám ảnh điều ác lại là chuyện khác. Những hạt giống sân hận dâm ác liên tục được tưới tẩm, chắc chắn sẽ phát lộ khi gặp điều kiện thích hợp. Tầm nhìn thấy cây trong vấn đề này có lẽ là một chính sách giáo dục con người biết tự đào luyện liên tục trên nền cái nền cơ bản là văn hóa, suy nghiệm, và đức tin. Hơn trăm năm trước, chí sĩ Phan Chu Trinh đã nhận thấy điều cốt cán này bằng câu câu nói bất hủ: “Nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

3. Đức tin:

Thật khó mà hình dung một xã hội chỉ toàn những con người nghi kị lẫn nhau, sống không hề biết kiêng sợ. Vì đức tin sẽ làm giới hạn những mong muốn ngông cuồng những hành động vô luân đại khái như Hitle tận diệt Do Thái hay những luật lệ hà khắc gần đây của nhà lãnh đạo độc tài trẻ tuổi Kim Jong Un.
Thế nhưng, đức tin không phải là mê tín và càng không phải là cuồng tín. Phật giáo, một tôn giáo có nền triết học đầy khoa học nhưng du nhập vào Việt Nam, trừ hệ phái Thiền theo đường lối Lục tổ Huệ Năng, còn lại là cả mớ một tập tục chẳng ăn nhập gì với Phật giáo như tệ cầu hồn, xin xăm, đốt vàng mã lại song song tồn tại cùng giáo hội như một hình thức Phật giáo được mặc nhiên thừa nhận. Hay gần đây, thế giới bàng hoàng với sự xuất hiện của một lực lượng như đột  ngột ngoi lên từ địa ngục, bọn IS. Bọn này nhân danh Hồi giáo, vốn cũng là một tôn giáo lành mạnh, nhưng tự diễn giải giới luật theo cách hiểu mông muội của chúng. Kết quả là cả thế giới phải hợp lực tiêu diệt sự cuồng tín đến từ địa ngục này để nhân loại có thể sống xứng đáng với phẩm giá của mình.
 Do đó, đức tin cần được hiểu một cách ôn hòa trung dung đầy minh triết, như nhà khai sáng Tin Lành, Martin Luther: “Tôn giáo không phải là "kiến thức thần học", mà là sự thông tuệ sản sinh từ trải nghiệm cá nhân”.
Và Chúa Trời, nên hiểu như cách của Spinoza, thông qua sự diễn đạt của Einstein: “Tôi tin vào vị Chúa trời của Spinoza, vị Chúa thể hiện mình trong sự hài hòa trật tự của những gì tồn tại”.
   Ở tầm cao nhất của niềm tin tôn giáo, có lẽ là thứ tôn giáo như Châu Diên hình dung qua lời giới thiệu bản dịch tác phẩm Nhà tiên tri của Khalinl Gibran dưới đây:
   Ta bắt gặp ở đây một tôn giáo mới, cái tôn giáo của người có văn hóa cao, của văn minh đích thực, cái niềm tin tôn giáo ở trong lòng từng con người khi sống hồn nhiên với chính mình và sống hồn nhiên với kẻ khác. Đó là một niềm tin vào một lối sống thuận tự nhiên cao nhất vì có văn hóa cao nhất và văn minh nhất. Ta có thể đoán biết những ai chắc chắn chống lại niềm tin mang tính tôn giáo cao đến mức ấy. Song, một niềm tin tôn giáo như thế chắc chắn sẽ là thuộc tính sắp tới của con người trong thế giới văn minh đích thực, không sống sượng.
   Bao giờ sẽ có một tôn giáo mới cho nhân loại như thế? Nào ai dám đoan chắc? Chỉ biết răng, cuộc đời thực với trình độ văn hóa và văn minh cao nhất tất sẽ tạo ra mặt bằng tâm lý cho một tôn giáo mới, một mặt bằng tinh thần chung cho con người đến mức có thể trở thành một niềm tin tôn giáo mới.

  Thứ hai, sự phát triển xã hội rực rỡ của châu Âu là dựa trên mô hình Nhà nước pháp quyền mà mô hình của nó có thể vận dụng tại Việt Nam như sau:
Toàn bộ các nhà tư tưởng về nhà nước pháp quyền như Montesquieu, Thomas Hobbes, John Locke,  J.J Rousseau đều thừa nhận, quyền lực Nhà nước phải được phân thành nhiều nhánh với mỗi nhánh một chức năng độc lập và có quyền lực ngang nhau. Dù tên gọi là gì thì chí ít, nó phải có 3 nhánh chính:
+ Lập pháp: Làm ra luật
+Hành pháp: Thực thi pháp luật
+Giám sát việc thực thi pháp luật.
Vì theo Lord Acton, nhà sử học Anh thế kỷ XIX: "Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hóa cũng tuyệt đối".

Cho nên, cơ chế chống tha hóa quyền lực là một cơ chế đảm bảo để quyền lực: Không thể tha hóa; Không dám tha hóa; Và, không muốn tha hóa.
Cơ chế này sẽ giao nhiệm vụ một cách tự nhiên cho 3 nhánh quyền lực Nhà nước ở trên như sau:
* Cơ quan lập pháp: làm luật cụ thể, bám sát chi tiết thực tiễn đời sống xã hội, đảm bảo rằng mọi quan hệ xã hội đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp => Quyền lực không thể tha hóa.
* Cơ quan tư pháp: trừng phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quá trình tố tụng nhanh chóng chính xác mà vẫn tôn trọng quyền con người, đảm bảo không ai có thể đứng trên pháp luật => Quyền lực không dám tha hóa.
* Cơ quan hành pháp: Mọi hoạt động chỉ được tuân theo những gì pháp luật cho phép. Thực hiện quyền quản lý Nhà nước theo đúng phạm vi chức năng quyền hạn dưới sự giám sát chặt chẽ của Tư pháp. Và, được trả lương hậu cho công việc của mình. Đảm bảo đời sống vật chất no đủ, đời sống tinh thần lành mạnh cho bộ máy viên chức  => Quyền lực không muốn tha hóa.
Ứng dụng tư tưởng triết học thời Phục hưng và Cận đại cho mô hình quản trị xã hội tại Việt Nam.

1. Quyền Lập pháp:

Với cơ quan quyền lực hiện nay là Quốc hội. Và, các đại biểu quốc hội phải thực sự là người đại diện nhân dân, do nhân dân bầu ra. Do chức năng chính là làm luật, nghề nghiệp của đại biểu quốc hội chỉ nên duy nhất là luật sư. Đại biểu quốc hội dứt khoát không đảm trách bất kì công việc chuyên môn, chính quyền nào khác. Các nhà làm luật này chỉ chuyên viết luật. Đảm bảo luật pháp chạm tới mọi ngõ ngách trong đời sống. Mọi quyết định điều chỉnh mối quan hệ xã hội nào cũng nên chỉ xuất phát từ một văn bản pháp luật duy nhất: Luật. Tại phiên thảo luận ngày 22 tháng 10, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đã cho rằng phải hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu quốc hội.
Cũng tại phiên họp này, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu yêu cầu: phẩm chất hàng đầu của ĐBQH là tính đại diện cho dân. Vì thế phải có trí tuệ, trung thực, có bản lĩnh, dám nêu chính kiến và có thể nhận diện được cái đúng, cái sai. Bà phát biểu: “Đại biểu phải nghe được tiếng nói của dân, của cử tri và phải có thời gian dành cho công việc của đại biểu. Anh phải dám tranh luận đến cùng những vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền lợi của người dân”.
(nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tin-nhiem-thap-phai-tu-chuc-774608.tpo ).

2. Quyền Giám pháp:

Với cơ quan quyền lực hiện nay là các Tòa án, các Viện kiểm sát. Để đảm bảo quyền lực giám pháp một cách triệt để, cơ quan này phải được cơ cấu quyền lực ngang bằng với Quốc hội và Chính phủ, với chức năng duy nhất là giám sát việc làm luật của Quốc hội cùng sự thi hành luật của Chính phủ. Và, hoạt động thanh kiểm tra, giám sát nên được tiến hành liên tục rộng khắp trên toàn bộ các hoạt động thu chi ngân sách, sao cho hoạt động này là một hoạt động hết sức bình thường trong mọi mối quan hệ xã hội.
Cách nay hơn 3.500 năm, vào khoảng thập niên 1760 TCN ở Babylon cổ đại, nhà vua Hammurabi dẫu tự cho mình là con của Thượng đế vẫn phải tự nguyện cúi mình trước pháp luật do mình đề ra. Hãy xem những câu chữ đầy nhân văn là mục tiêu của việc soạn luật: "Để cho kẻ mạnh không hà hiếp kẻ yếu; để cho những người cô quả có thể nương tựa ở thành Babilon; để cho những kẻ thiệt thòi được trình bày lẽ phải…”
Xúc động thay, một nền tư pháp thuở hồng hoang loài người nhưng lại đề cao phẩm giá con người như vậy. Tư pháp Việt Nam dứt khoát phải vì con người hơn thế. Mong sao những án oan Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, những cưỡng chế đất đai làm dậy sóng lòng dân như Tiên Lãng , những 5 công an dùng nhục hình đánh chết người ở Phú Yên chỉ là những hạt cát nhỏ nhoi thúc đẩy cho nền tư pháp Việt tự sửa mình để nâng cánh.

3. Quyền Hành pháp:

Với cơ quan quyền lực hiện nay là Chính phủ. Cũng như đại biểu Quốc hội, các cán bộ nắm quyền trong bộ máy Chính phủ dứt khoát không phải là người làm luật. Chính phủ chỉ quản lý điều hành đất nước trên cơ sở pháp luật được quy định bởi Quốc hội.
Một số hoạt động điều hành của Chính phủ, vận dụng tư tưởng của triết học thời Cận đại và Phục hưng, có thể áp dụng vào chính sách quản lý tại Việt Nam như sau:
3.1. Xóa bỏ độc quyền.
   Kinh tế vĩ mô chỉ ra rằng độc quyền kinh tế chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, thặng dư cho xã hội rất ít. Vì thế, để nền kinh tế lành mạnh, cần có chính sách sao cho có nhiều doanh nghiệp tham gia.
 Nhà nước chỉ đơn thuần giữ vai trò quản lý xã hội, tạo chính sách để doanh nghiệp cạnh tranh, và thực thi những chính sách mang lại lợi ích cao nhất cho người dân.  Cũng cần  mở rộng xã hội hóa các lĩnh vực: Truyền thông, Y tế, Giáo dục.
 + Ví dụ: ngành đường sắt độc quyền, kết quả sau 40 năm vẫn không có cải tiến gì đáng kể. Ngành viễn thông, sau khi S-Phone rồi Viettel nhảy vào cạnh tranh với VNPT trước đó độc quyền, người dân đã được lợi rất nhiều.
3.2. Hạn chế biện pháp hành chính can thiệp thị trường.
+ Ví dụ: với một thị trường tự do dư cạnh tranh như sữa thì nên cân nhắc việc áp giá trần cho các doanh nghiệp với việc Nhà nước, thông qua một doanh nghiệp cổ phần của mình,  sản xuất một loại sữa chất lượng tương đương nhưng có mức giá đầy cạnh tranh.
+ Ví dụ khác: việc sản xuất xăng sinh học E5 là phù hợp với xu thế sử dụng năng lượng xanh, nhưng dùng mệnh lệnh hành chính để cả nước sử dụng thì không phù hợp bằng việc cải tiến chất lượng xăng E5 sao cho tương thích được với các loại động cơ đã sản xuất trước đó dùng cho xăng RON và giá thành hạ.
3.3. Tạo rào cản pháp lý chống hàng chất lượng kém, hàng độc hại tràn qua biên giới.
   Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện tràn ngập hàng hóa độc hại xuất xứ từ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc. Điều này làm gia tăng chóng mặt tỉ lệ bệnh ung thư của người dân. Việc này hoàn toàn có thể ngăn chặn bằng chính sách pháp luật.
+ Ví dụ cách chống hàng tiểu ngạch của Thái Lan: cấm khách du lịch mua bán có tính chất kinh doanh; còn muốn kinh doanh phải tham gia sân chơi chuyên nghiệp, có giấy phép, hàng hóa phải vượt qua hàng rào kỹ thuật được quy định cụ thể.
3.4. Sử dụng linh hoạt công cụ thuế để mang lại công bằng xã hội.
Có thể nói thuế là công cụ rất mạnh của chính quyền để từ đó thực hiện ý chí của mình ở mọi thứ. Sử dụng công cụ này hiệu quả mang lại sự tiết kiệm nguồn lực lớn lao.
 + Ví dụ đánh thuế mạnh các mặt hàng xa xỉ và dùng tiền thuế đó để xây dựng các sân chơi cho nhân dân lao động hay tài trợ các dự án phục vụ cộng động. Hoặc,  đánh mạnh thuế rượu bia thuốc lá để tài trợ cho các dự án nghiên cứu sữa hoặc hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn giao thông do rượu bia.
Đặc biệt, việc sử dụng ngân sách phù hợp sẽ là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
+ Ví dụ thay vì cấp ngân sách, có thể giao tự chủ kinh tế cho hàng trăm hội, đoàn đang hoạt động phi lợi nhuận hiện nay. Có thể tóm gọn ý này trong câu nói đáng đi vào lịch sử của đại biểu quốc hội Trần Du Lịch: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”. Mặt khác, cần xem xét lại việc phân bổ ngân sách đồng đều về các địa phương, để tránh tình trạng những công trình dân sinh trọng điểm ì ạch vì thiếu vốn. Và, để không còn những trường hợp nào tự vẫn vì nghèo đầy bi thảm như chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP Cà Mau - Cà Mau); chị Lê Thị Ngọc Nhãn, ở khóm 2, phường 1, TP Cà Mau - Cà Mau; vợ chồng anh Trần Văn Trỗi (SN 1972), chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1979) cùng đứa con mới 5 tuổi ôm nhau trầm mình dưới sông. (Nguồn:http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tu-tu-de-thoat-ngheo-2013050410515936.htm).
Nói như nhạc sĩ Tuấn Khanh  trong bài viết “Những câu chuyện về đàn bà” nhân ngày 20 tháng 10: “ Những số phận ấy tầm thường mà khác thường. Nhưng những nốt nhạc hiện thực vẫn chưa thể vang lên, vì vừa chớm thì đã chết lặng trong những cuộc vui hoa đăng bất tận trên đất nước này. Những tượng đài tốn kém mọc lên, những bông hoa đủ màu ngập ngụa đất nước, rực rỡ như phấn son, che lấp giọt mồ hôi hay nước mắt con người”.
3.5.  Không bán bán vé số dạo. Thay vào đó, tạo việc làm thủ công mỹ nghệ cho người già, trẻ nhỏ.

Tôi mạnh dạn có ý nguyện này dựa trên những thực chứng sau đây:

+ Đội ngũ bán vé số dạo hầu như là trẻ em và người già, người tàn tật, lại hơn phân nửa số ấy là trẻ em dưới 10 tuổi, cái tuổi của sự ăn ngủ học hành chơi đùa kết bạn. Thế nhưng, tất cả họ phải lao ra đường. Và những rủi ro rình rập có khi phải trả giá bằng cả phần đời còn lại.Nguy hiểm hơn, ngày nay có một số bọn mất dạy vô luân lại cứ nhè những con người khốn khổ này mà thẳng tay cướp giật. Mới nhất là vụ một người đàn ông chỉ vì bị lừa 3 triệu đồng mà đâm đầu xuống sông tự tử. Xã hội nhao nhao nguyền rủa, kêu gọi giúp đỡ được một hai kì báo rồi đâu đấy lại chìm vào quên lãng.
+ Một số kẻ đánh mất lương tri còn dùng thủ đoạn đánh thuốc ngủ trẻ con, một số lê lết giả đui mù què hủi cố gắng tạo một hình ảnh thê thảm nhất có thể nhằm gây sốc lòng thương hại của mọi người. Trước những cảnh đời rất thê thảm cứ kêu nài ta giúp cho 1 tờ vé số, ta  chậc lưỡi bỏ ra 10 ngàn để giúp đỡ. Như vậy, vô tình chính quyền đá quả bóng trách nhiệm an sinh xã hội về phía người dân, bắt người dân gánh lấy cái trách nhiệm tạo thu nhập cho thành phần đáng ra phải được hưởng sự trợ cấp thiết thực từ Nhà nước. Nhưng lòng tốt của người dân đã và đang bị lợi dụng quá nhiều đến thô bạo, nên đã trở nên vô cảm như một cách tự nhiên bảo vệ chính mình. Vì thế, những thân phận cơ hàn lại bị dấn sâu hơn một bước vào cái đáy khốn cùng của xã hội.
   Như vậy, giải pháp căn cơ cho thành phần bán vé số dạo này, cũng là trả cho lại bộ mặt khang trang cho xã hội cũng như không chà đạp thô bạo lòng nhân ái, là hãy đối xử thật sòng phẳng với họ. Không thương cảm. Không cưu mang. Chúng ta vốn có thế mạnh hàng thủ công mỹ nghệ bởi bản tính cần cù khéo léo. THế mạnh ấy có thể cụ thể thành một giải pháp kinh tế với lực lượng lao động nòng cốt là thành phần bán vé số dạo này. Nếu Nhà nước hỗ trợ, có chăng là cơ sở vật chất ban đầu, đào tạo kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Chỉ cần một người có trách nhiệm nghĩ và muốn làm như vậy thôi, cũng đủ huy động nguồn vốn của cả xã hội để thực hiện một dự án đầy nhân văn như vậy rồi.
   Vé số có thể tạo thu nhập cho tất cả các thành phần xã hội và chính quyền có thể yên tâm về khả năng đảm bảo dân sinh với loại nghề nghiệp dễ dãi này. Thế nhưng đánh đổi những mất mát cho cái lợi từ vé số thì không hề nhỏ. Đó là đẩy cả một lực lượng trẻ em người già người tàn tật vốn dễ tổn thương nhất ra đương đầu với những mối nguy khó bảo vệ nhất của xã hội. Và cái mất lớn hơn tất cả ngoài cái mất một thế hệ trẻ lớn lên vô học là cái mất trái tim rung cảm của toàn xã hội trước nỗi đau đồng loại.
   Mất một nghề nghiệp tạo thu nhập cho lực lượng lao động dễ tổn thương thì còn có thể tạo ra loại nghề nghiệp mang lại thu nhập khác, nhưng đánh mất trái tim của trẻ con thì mất cả nền văn hóa.
Chợt nhớ thông điệp của Thủ tướng hồi đầu năm nay, 2014:
Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.
Với thể chế chất lượng cao ấy là:
   + Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.
   + Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Thay lời kết, xin dẫn lời khuyên của mưu sĩ đại thần Lục Giả dành cho Hán Cao tổ hoàng đế Lưu Bang: Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không?
Mô hình phát triển xã hội với tên gọi là gì không quan trọng, quan trọng là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không thay đổi.


Và, mục tiêu ấy đạt được nhanh chừng nào tốt chừng ấy, nhiều đến vô hạn.