Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Chánh niệm kiểu Hollywood


Tối qua xem gấu trúc Po thi triển Thái cực quyền với 2 chiêu Lãm tước vĩ và Lâu tất ảo bộ vừa hóa giải vừa phản công loạt súng thần công của chim công Shen mới thấy thán phục trình độ thẩm thấu võ học tinh hoa của dàn đạo diễn Hollywood. Đó là sau khi bị hạ, Shen đã thể hiện mình là một đối thủ xứng tầm của Po bằng câu hỏi trước khi chết: "Tại sao ngươi làm được điều đó?" Câu hỏi thoạt nghe tưởng đơn giản và gấu trúc nhà ta cũng hiểu vậy nên ngô nghê trình bày những yếu quyết kỹ thuật như là phải "Vai trầm chẩu khuỵu", phải "Hư linh đỉnh kình" bị Shen gạt bỏ ngay lập tức. Lúc này Shen mới gắng chút hơi tàn mà nói lại rõ hơn: " Vì sao ngươi có đủ tĩnh tâm để làm được điều đó? (sau bao thảm họa mà ta giáng xuống đầu ngươi) ". Toàn bộ chiêu thức bỗng trở thành những động tác vô bổ trước một câu hỏi ngàn cân như vậy. Đúng lúc ấy, ta thấy Po ung dung thể hiện mình đúng là một Thần Long đại hiệp đã đốn ngộ: À, đó là những vết thương tâm hồn ta, nó đã lành thành sẹo. Ta là Po, ngay bây giờ và ở đây, đang đấu với mi bằng Thái cực quyền.

Đạo diễn phim Kungfu Panda phần hai này quả đã không phụ lòng những người tin cậy khi vẫn giữ mạch phim là những tình tiết hài hước với những pha võ thuật điêu luyện đẹp mắt, nhưng vẫn khéo léo lồng vào ấy một triết lý thâm sâu của nhà Phật. Nếu như phần một triết lý thâm sâu ấy là tờ bí kíp võ công trống trơn dành cho người sẽ là Thần Long đại hiệp thì phần 2 này đã tiếp nối trọn vẹn bài học ấy với thông điệp tĩnh tâm trong từng chiêu thức Thái cực quyền.

Hollywood quả không hổ danh là thiên đường điện ảnh. Ở đó không chỉ có những kỹ xảo đỉnh cao và những pha hành động nghẹt thở, mà nó còn cuốn hút người xem bằng sự am hiểu thâm sâu những tinh hoa văn hóa nhân loại của ê kíp làm phim. Để rồi như một đạo sư đốn ngộ, những triết lý đỉnh cao ấy được thể hiện một cách tự nhiên qua những tình huống ngô nghê, những nhân vật ngờ nghệch. 
Xin gửi lời ngưỡng mộ chân thành cùng lòng biết ơn sâu sắc của kẻ viết bài này đến những người làm phim Kungfu Panda.

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Sức mạnh của khoảng trống (Phạm Trần Lê)

Mới biết tác giả này qua trang haydanhthoigian.net, thấy đây không phải là một bài phân tích thông thường mà là một thái độ sống, thứ chúng ta phải suy nghĩ và rèn luyện mỗi ngày. Xin được giơi thiệu:
 
Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi. Thấy con tiếc nuối, đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới, không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng về tinh thần.

Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian phóng nhiệm này.

Can thiệp một cách vô thức và có hệ thống

Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ, tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách tuyệt đối.

Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp. Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau cuốn hút hơn cái trước.

Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí. Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v. Mặc dù các ông bố bà mẹ vẫn có thể tạo cơ hội để trẻ tìm thấy những khoảng trống (hay khoảng lặng) cần thiết, được khơi gợi trong những cuốn sách văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng sách văn học vốn khó cuốn hút trẻ như những thứ cám dỗ khác, và không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thói quen chọn lọc sách đọc cho con hoặc đọc sách cùng con.

Ở góc nhìn tổng quát hơn, có thể thấy việc người lớn can thiệp vào khoảng trống trong tinh thần trẻ em là một quá trình vô thức và mang tính hệ thống. Ngay từ khi đứa trẻ chớm hình thành nhận thức, người lớn luôn tìm cách đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ một cách nhanh chóng nhất. Mỗi khi đứa trẻ gặp phải áp lực từ một khoảng trống trong tâm tưởng, nó sẽ đưa ra một đòi hỏi nào đó mà thường thì đơn thuần chỉ nhằm giành được sự quan tâm từ người lớn để xua đi khoảng trống mà nó đang phải đối diện.

Thế nhưng một đứa trẻ luôn được đáp ứng các đòi hỏi sẽ dễ nhàm chán với những gì mình đang có, và giải pháp để nó đối phó với sự nhàm chán ấy là tiếp tục cầu viện những sự trợ giúp từ bên ngoài. Tâm trí của đứa trẻ bị bế tắc trong những chuỗi đòi hỏi liên tục và mất đi khả năng vượt qua khoảng trống một cách tự thân. Đứa trẻ sẽ dễ trở nên chán nản, dẫn tới bỏ cuộc trước các vướng mắc, bế tắc trong cuộc sống. Nó cũng sẽ không đủ lòng kiên nhẫn để trải nghiệm các sự vật một cách thấu đáo, và điều này làm hạn chế năng lực thấu hiểu, đồng cảm với con người và các sự vật xung quanh.

Kiến tạo không gian để vượt qua khoảng trống

Tự thân vượt qua khoảng trống chính là một phần trong quá trình phát triển tự nhiên của mỗi con người. Nó là sự tự định vị bản thân mình nhằm vượt qua sự bối rối và hẫng hụt ban đầu khi phải đối diện với khoảng trống. Vào khoảnh khắc trái bóng của cậu bé trong câu chuyện bay vút lên không trung, hay khi một đứa trẻ nào khác đánh mất món đồ chơi yêu thích, hoặc đơn giản khi nào chúng gặp điều gì đó không vừa ý – một cú ngã khi đang chơi đùa chẳng hạn – đó là khi chúng đối diện với một thực tế mới mà chúng chưa quen trải nghiệm, một không gian xa lạ với đầy những biến hóa nằm ngoài những gì đã quen biết. Ngay trong khoảnh khắc bối rối ấy, bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy thúc đẩy đứa trẻ tự định vị bản thân, đối diện với không gian xa lạ trước mặt, và tìm cách tương tác với nó nhằm đạt được một vị thế hài hòa cân bằng.

Song hành với việc tự định vị bản thân là tiến trình tự lấp đầy khoảng trống bằng cách xây dựng cho mình một không gian nội tâm phong phú riêng. Khi đứa trẻ lắng nghe câu chuyện cổ tích, hay khi chơi cùng những món đồ chơi, đó là khi chúng đang hình thành trong tâm trí những không gian nội tâm, với các sự vật giả tưởng và xúc cảm cá nhân gắn với những sự vật ấy. Đây là một quá trình vừa tự xây, vừa tự khám phá, và liên tục được bồi bổ từ những thông tin thu nhận được trong thực tế đời sống, mà ẩn trong quá trình đó là hình dung của đứa trẻ về bản thân nó trong thế giới.

Một thế giới nội tâm khỏe khoắn lành mạnh đòi hỏi hai yếu tố. Một là nó đủ độ phong phú để giúp đứa trẻ vượt qua áp lực từ khoảng trống mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là những can thiệp quá độ từ người lớn. Hai là nó không quá méo mó xa rời thực tế, mà phản ánh được những quy luật căn bản của đời sống, bao hàm những giá trị cần thiết như lòng yêu cái thiện, sự trung thực, lòng dũng cảm, v.v. Trong thế giới nội tâm ấy, khoảng trống không nhất thiết bị loại trừ, thậm chí cần có những khoảng trống không bao giờ nên vượt qua. Chúng chính là yếu tố giúp nuôi dưỡng ý thức cầu tiến vươn lên, những khát vọng hoài bão chinh phục các mục tiêu chưa đạt tới.

Khả năng tự tạo lập không gian một cách phong phú trong nội tâm để tự định vị mình trước những hoàn cảnh mới là chìa khóa để trẻ vững bước vào đời. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để trẻ thấu hiểu và đồng cảm với thế giới.

Cây cầu bắc tới sự đồng cảm

Khác với quan điểm của nhà giáo dục Phạm Toàn cho rằng cần tạo ra năng lực đồng cảm ở trẻ em trước khi hướng dẫn chúng tưởng tượng về các sự vật1, người viết bài này cho rằng năng lực đồng cảm là hệ quả của năng lực hình dung ra các không gian. Nếu chúng ta không hình dung ra những không gian liên quan tới một đối tượng, thì không thể có sự đồng cảm thực sự với đối tượng đó.

Cảm xúc của chúng ta về một cá nhân nào đấy không thể được khơi dậy đơn thuần từ những thông tin về tuổi tác, nguyên quán, nghề nghiệp, v.v, mà phải từ thân phận của người ấy, hay nói cách khác là vị thế của người đó trong không gian2, bao gồm các không gian vây bọc bên ngoài đối tượng (địa điểm, thời gian, bối cảnh, v.v) và không gian nội tâm bên trong nhân vật. Và để có những xúc cảm thấm thía hơn, chúng ta phải xâm nhập được vào khoảng trống trong tâm can họ, để biết được họ đã nỗ lực vượt qua áp lực từ khoảng trống ấy như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tác phẩm văn học hay điện ảnh thường tạo ra mối đồng cảm gắn kết giữa công chúng độc giả với nhân vật bằng cách đẩy nhân vật vào giữa những khoảng trống đầy bất trắc và phải tìm mọi cách, mọi nỗ lực để vượt qua khoảng trống ấy nhằm tìm ra chỗ đứng của mình trong thế giới.

Bởi vậy, yếu tố làm toát lên thần thái của những cậu bé đánh giày, bà lão nhặt phế liệu, và cũng là điều khơi dậy xúc cảm thấm thía trong chúng ta, không hẳn là ở những mô tả về sự vất vả nhọc nhằn hay những lo toan thường nhật của nhân vật, mà đôi khi lại chính là niềm vui, niềm hi vọng nhỏ bé đơn sơ của họ lóe lên sau những nỗ lực bền bỉ dồn nén. Hay yếu tố làm toát lên thần thái một người mẹ chưa chắc nằm ở những nỗ lực kiên trì chăm lo cho con cái mỗi ngày, mà đôi khi lại gói trọn trong một nét cười thoáng qua trên khóe mắt chớm có nếp nhăn.

Thời khắc con người đối diện với khoảng trống của số phận và chớm vượt qua nó bằng sức mạnh tinh thần cũng chính là lúc phẩm chất người được toát lên mạnh mẽ nhất, và khiến chúng ta đồng cảm hơn hết. Đó cũng là lý do khiến những bản nhạc không lời, tuyệt chẳng có câu từ nào, chỉ đơn thuần gợi lên ấn tượng mơ hồ về vị thế của chủ thể trong các dạng không gian, thời gian, nhưng vẫn có thể để lại trong lòng người nghe sự lắng đọng da diết.

Trả lại khoảng trống cho các em

Bạn đọc có thể hỏi làm sao trẻ em có thể cảm nhận được những sắc thái tinh tế nói trên? Câu trả lời là, năng lực cảm nhận của trẻ em tinh tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chẳng thế mà trong vô số những lữ khách đi qua ga tàu điện ngầm ở New York, người dành sự quan tâm đáng kể đầu tiên tới bài biểu diễn của nghệ sỹ violon tài danh Joshua Bell là một em bé 3 tuổi3.

Để tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy và phát triển năng lực cảm nhận, hãy trả lại cho các em những khoảng trống để các em tự định vị mình và thích nghi với các môi trường khác nhau. Khi trẻ đối diện với áp lực từ khoảng trống trong tâm tưởng và đưa ra các đòi hỏi, không nên đáp ứng những đòi hỏi này ngay tức khắc. Sự bao bọc dỗ dành này của người lớn nhằm giúp trẻ đi đường tắt quay về trạng thái an toàn ban đầu sẽ chỉ khiến đứa trẻ trở nên bị động và nảy sinh tâm lý phòng thủ, tự tạo ra rào cản cho mình trong cuộc sống. Có chăng, người lớn chỉ nên cùng trò chuyện, thúc đẩy trẻ vượt qua cảm giác hẫng hụt tạm thời bằng cách tiếp tục khám phá, tìm kiếm, nhận biết những điều tích cực trong một không gian rộng mở hơn.

Chẳng hạn, thay vì hứa hẹn mua bóng mới cho con, người cha trong câu chuyện có thể trò chuyện với con về những sự vật xung quanh trái bóng, những tán cây xanh, nóc nhà rêu mốc, những ô cửa sổ bí ẩn, về một em bé vô danh nào đó trong tưởng tượng nhặt được trái bóng sẽ trân trọng và trở thành bạn thân của trái bóng ra sao, v.v. Mục đích chính của những lời trò chuyện ấy từ người cha không nhằm an ủi em bé, mà chủ yếu kích thích trí tưởng tượng của con trẻ, tạo ra thói quen kiến tạo không gian trong tâm tưởng ở mọi tình huống, điều sẽ giúp em tự lực vượt qua khoảng trống trong những lần tiếp theo.

Khi mà những món đồ chơi đã mất đi ánh hào quang long lanh ban đầu và trở nên nhàm chán, người lớn không nên tìm cách lấp đầy khoảng trống trong trẻ bằng cách mua tiếp những món đồ chơi mới, mà hãy cùng trẻ chơi với những món đồ chơi cũ, trò chuyện và gợi mở để trẻ xây dựng một không gian mới trong tâm tưởng, trong đó các đồ vật tưởng chừng như cũ kỹ nhàm chán được trẻ phân công cho những vai diễn mới, qua đó tạo ra một hệ thống những xúc cảm mới từ những đồ chơi cũ.

Đọc sách cùng con trẻ là biện pháp tuyệt vời để giúp trẻ thoát ra ngoài cái tôi cố hữu, tự hình dung bản thân trong những không gian bên ngoài mình, sống trong những cuộc đời khác, tâm thế khác, giúp hình thành trong các em cái nhìn sâu và rộng hơn trước mọi sự vật. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên đặt thật nhiều câu hỏi về không gian, thời gian của các đối tượng mà các em có thể quan sát trong đời thực, hình dung suy nghĩ, xúc cảm của các nhân vật và yêu cầu các em biểu đạt những xúc cảm này. Việc biểu đạt không nhất thiết bằng ngôn từ mà có thể bằng ngôn ngữ tạo hình, ví dụ có thể yêu cầu các em nói về ấn tượng sâu đậm nhất đối với một sự vật nào đó, và yêu cầu vẽ lại đúng theo ấn tượng mà các em hình dung. Không gì kích thích trí tưởng tượng và năng lực tự định vị bản thân ở trẻ em hơn việc diễn đạt bằng hình vẽ, màu sắc trên trang giấy trắng.

Cuối cùng là dạy trẻ gắn kết bản thân mình với thế giới. Khi đứa trẻ trong trạng thái buồn chán, hoặc tỏ thái độ cố thủ trong thế giới riêng của mình và không muốn giao lưu, kết nối với bên ngoài, thì hãy tìm cách mở rộng thế giới của các em. Hướng dẫn các em tập thể dục, chăm sóc người thân, hoặc làm những việc nhà trong gia đình. Đây đều là những cách thức hiệu quả giúp tăng cường năng lực tự định vị bản thân, sự nhận biết cuộc sống một cách khách quan hơn. Dạy trẻ cảm nhận những tín hiệu trong lành của đời sống, như hơi thở của chính mình, hơi thở của người thân, để giúp các em sống trong tâm thế tự chủ, cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của bản thân mình và mối gắn kết với không gian xung quanh.

Chúng ta thực hiện điều này và lắng nghe mỗi ngày. Khi trong từng lời nói, câu chào, những hành vi sinh hoạt thông thường nhất, có những chuyển biến tích cực về sắc thái biểu cảm; khi những tương tác hằng ngày trở nên tự nhiên hơn, giảm đi những ràng buộc ước lệ; khi những thay đổi trong đời sống được thích nghi bằng tinh thần đối diện và khám phá thay vì lảng tránh, cố thủ, thì đó là căn cứ rõ ràng cho thấy các em đã gắn kết và thích nghi tốt hơn với thế giới xung quanh mình.

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

3 bài thơ mới của Nguyễn Khoa Điềm

Đại quan về hưu này gần đây bỗng dưng cất tiếng sau rất lâu im tiếng ở chốn quan trường. Nay trăn trở cho ra 3 bài thơ mới, mình lượm được ở nhà bác Nguyễn Trọng Tạo. Xin giới thiệu:

SỐNG VỚI THẾ GIỚI NÀY
Bạn biết gì về cái chết ?
Ngay cả khi cái chết cận kề,
Ngày ngày ám ảnh,
Bạn cũng không biết gì về cái chết.
Bao ngàn đời
Tri thức chúng ta bất lực về cái chết 
Dù ta chưng trên bàn một cái đầu lâu
Vẫn là hai hố mắt trống rỗng .
Người Mễ Tây Cơ rước Thần Chết vào lễ hội
Phải chăng họ coi cái chết là niềm vui ?
Cả con chim đang nhảy nhót trên cành
Ta đã biết gì về cái chết của nó ?
Cái chết có đập cánh ?
Cất tiếng hót líu lo ?
Và tình tự giữa mùa xuân rộn rã ?
Bạn chỉ biết cái gì gây nên cái chết
Của Homère, Pouchkine, Jésu, Enstein
Nhưng cái chết là thế nào
Ngay trong tro bụi các vĩ nhân
Bạn không hề biết
Khổng Tử xa lánh quỷ thần và cái chết
Vì ông chỉ hiểu được cái sống
Chắc chắn ông là người thầy trung thực.
Ngay cả khi chúng ta gọi các danh nhân là bất tử
Chúng ta cũng không biết gì về cái chết ở thế giới bên kia
Chúng ta chỉ nói bằng cảm quan người sống,
Xin lỗi, chúng ta nói lấy được !
Nếu Enstein, Pouchkine bỗng nhiên sống lại
Chắc họ cũng chẳng nói được gì về thế giới bên kia
Nếu chúng ta không lộn trái họ ra
Và cùng họ, học ngôn ngữ bóng tối
Cái chết là một bí mật
Chỉ được giải mật
Trong một vũ trụ khác
Có lẽ vì thế
Ngay bây giờ
Chúng ta chỉ được sống với thế giới này thôi
Xin muôn vàn bảo trọng
7.6.2013
.
GIỮA LẰN RANH SỐNG – CHẾT
Thế là đã rõ
Chúng ta đã vạch được một lằn ranh
Lạnh lẽo :
Giữa trừng phạt và khoan dung
Án quyết và lương tâm
Song sắt ngục tù và lòng khát khao sự thật
Chúng ta yêu cầu mọi người
Đặt lòng tin vào sự trừng phạt, án quyết và sắt thép
Để sống vo tròn trong vỏ ốc
Sóng vẫn đập suốt chiều dài đất nước
Bờ kiêu ngạo và biển đau thương
Ở đó, giữa lằn ranh sống – chết
Lòng nhân ái từng giờ sụt lở !
5.6.2013
.
DƯỚI CÂY SA LA
Trồng cây sa la trước sân
Bao năm rồi nhỉ ?
Dưới gốc cây này Phật đản sinh và nhập diệt
Mấy nghìn năm rồi ?
Bao nhiêu đau đớn muộn phiền
Còn hay mất ?
Bao nhiêu nước mắt
Trong mỗi phận người ?
Từ trên cao
Những chiếc lá vàng rơi khẽ
Nhường chỗ chồi non mới
Không có sự ban phát nào
Ngoài yên tĩnh …

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Vô cảm quan chức và cái chết vì nghèo (Phạm Chí Dũng)

Đọc tin vụ tự tử của một phụ nữ ở Cà Mau để chồng con được cấp cái sổ nghèo mình đã muốn viết một cái gì đó. Nhưng mãi vẫn tịt. Hôm nay Phạm Chí Dũng đã làm điều đó quá tốt. Xin mạn phép ông mang bài này về nhà của mình (xem bản gốc ở đây).


Từ mấy năm qua, xã hội Việt Nam như bị tê liệt trong cơn động kinh khốn quẫn của cái chết người nghèo. Chưa bao giờ từ khi đất nước được thống nhất cho đến nay, mật độ tự tử vì cùng khổ dân sinh lại dày đặc như hiện thời.


Tháng 6/2013. Giữa lúc Thủ đô đang ngột ngạt trong cơn bức bối thời tiết chực chờ sấm nổ, người Hà Nội lại sôi lên bởi một câu chuyện thương tâm đột ngột xảy ra: một người mẹ cùng đứa con trai treo cổ chết trong nhà. Nguyên do ban đầu: quẫn bách về tiền bạc.
Sự việc quá đau lòng trên xảy đến ở xóm Chùa, huyện Từ Liêm vào ngày 7/6/2013.

Trong cái khó ló cái khôn - như một câu tục ngữ của người Việt. Nhưng có lẽ ý nghĩa ấy chỉ ứng với hoàn cảnh con người vẫn giữ được ý chí vươn lên. Còn trong tâm thế cộng hưởng cả bức bách vật chất lẫn bế tắc tư tưởng, không động lực nào còn có thể níu kéo người ta ở lại với kiếp khổ trần gian.

Vụ quyên sinh trên lại xảy ra trùng với thời gian diễn ra kỳ họp của Quốc hội Việt Nam.

Tương phản thói đời

Trước kỳ họp trên một tuần, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã thản nhiên: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.

Như thường lệ, phát ngôn của giới chức chính quyền không được kèm dẫn bởi bất kỳ dẫn chứng của một chuyên gia nào.

Nửa tháng sau phát ngôn của thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, cấp trưởng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là bà Phạm Thị Hải Chuyền lại thuyết trình trước các đại biểu Quốc hội: Với lý do phần lớn doanh nghiệp giải thể có quy mô nhỏ, việc các cơ sở này đóng cửa ít ảnh hưởng tới thất nghiệp chung, khi các dự án mới đều thu hút một lượng lớn lao động.

Cũng không có bất kỳ thuyết minh nào về số doanh nghiệp mới đã thu hút được bao nhiêu lao động, trong khi đại biểu nhân dân Phạm Thị Hải Chuyền đã không hoặc không muốn làm rõ tác động “ít ảnh hưởng đến thất nghiệp” bằng hoạt động số liệu đậm nét cảm tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thời gian luôn lao đi, và lời hứa hẹn “sẽ giải quyết việc làm ổn thỏa” của những người phụ trách Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vì thế luôn gắn liền với gia tốc suy thoái về chất lượng sống và cả với nhiều vụ tự tử của người dân.

“Cuộc sống không lối thoát, đi đến con đường chết… Mấy năm mẹ nuôi các con đi học, mẹ đi van xin cho gia đình mình được sổ nghèo và cực nghèo mà không được… Xin các cấp chính quyền ấp 5, vì hoàn cảnh gia đình quá khổ không lối thoát, mong các ông giúp cho chồng con tôi được sổ nghèo để sống ngày tháng còn lại trên đời” - những giọt nước mắt nuốt vào đáy tim trong lá thư tuyệt mệnh của một người phụ nữ 48 tuổi có cái tên thật đẹp - Nguyễn Thị Mỹ Nhân - ở ấp 5, xã An Xuyên, TP. Cà Mau.
Lá thư tuyệt mệnh trên không đề ngày tháng, được người phẫn uất viết liền một mạch không dấu chấm câu vào những ngày cuối tháng Tư năm 2013, sát thời điểm kỷ niệm 38 ngày thống nhất đất nước.

Những cái chết của người nghèo, chua chát thay, lại thường chẳng mấy khác biệt về cách thức tự gây đau đớn thêm một lần nữa.
                                                      Chuẩn nghèo ở Việt Nam bị cho là quá thấp

Tương tự trường hợp hai mẹ con ở Hà Nội, chị Nhân đã treo cổ tại nhà riêng, bỏ lại chồng và ba đứa con đang tuổi đến trường. Cái chết thương tâm của người phụ nữ tuyệt vọng này đã khiến rất đông người dân xung quanh phải giật mình thảng thốt.

Theo lời kể của người chồng, chị Nhân bị bệnh viêm dây thần kinh số 7, giật méo miệng, lại thêm bệnh suy thận, suy tim, mỗi ngày tiền thuốc hết 140.000 đồng. Cái nghèo, cái khổ đeo đuổi - cay đắng thay - đó là khi mà con người ta đi đến quyết định rằng cái chết sẽ tiết kiệm được phần nào khoản tiền thuốc thang, chồng con sẽ không phải chịu gánh nặng.

“Thấy học phí nhiều quá, vợ tôi mới ra ấp và xã xin cấp sổ hộ nghèo để con vay tiền đóng học phí. Trước đó, khi làm giấy xác nhận gia đình khó khăn, Ngân hàng chính sách xã hội không cho vay. Còn vợ tôi xin sổ hộ nghèo không phải vì muốn được hưởng trợ cấp mà muốn được vay tiền cho con đi học, nhưng mấy anh chính quyền địa phương chỉ hứa chứ không giải quyết cấp sổ hộ nghèo” - chồng người quá cố ôm ngực, nói không thành tiếng.


Số 0 kiên định

Bất chấp nhiều cuộc đời người nghèo bị hủy hoại, những người sống vẫn ung dung thói đời quan chức.

Cho đến tận lúc này, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên phải chính thức thừa nhận con số doanh nghiệp phá sản và giải thể đã lên đến hàng trăm ngàn kéo theo nạn thất nghiệp rộng khắp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn sắt son với tỷ lệ thất nghiệp được tân trang ở mức 1,99%.

Với con số quá tốt đẹp như thế, thảm họa đã trở nên thành tích, khi tỷ lệ thất nghiệp được đánh giá “liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%”.
Thế nhưng trong thực tế “thụt lùi sâu sắc” về tỷ lệ thất nghiệp như vậy, đã không có nổi một kiểm chứng đáng tin cậy nào về lòng tin gia tăng của người dân và người nghèo đối với Đảng và Cách mạng.

Cũng chẳng có lấy một sắc thái cách mạng nào đối với người nghèo và những người bị nạn thất nghiệp kinh niên đàn áp.

Trong khi giới phản biện độc lập, báo chí phải cố kìm nén phẫn nộ của mình trước thái độ vô cảm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền một số địa phương, bản thân một quan chức có vai vế cũng phải thừa nhận “Tỷ lệ thất nghiệp thêm vào một số 0 vẫn đúng”.

Số 0 đó lại có thể ứng nghiệm với tình trạng thảm thương của Tây Ban Nha hay Hy Lạp, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 26-27%.

Nhưng ở Việt Nam, những con số vẫn luôn “đá” nhau một cách khó tưởng tượng, đồng thời lại có vẻ hết sức bài bản.

Luôn kiên định giữ vững quan điểm “Quan tâm, hỗ trợ người nghèo là mục tiêu của Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền còn thuyết minh thêm về công tác an sinh xã hội với những số liệu dường như rất sâu sát: tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.

Trong khi giới quan chức vẫn điềm nhiên với bình luận về tỷ lệ nghèo “năm sau thấp hơn năm trước” và còn vận dụng đến mức tối đa lời khen ngợi đầy tính ngoại giao của một vài tổ chức lao động quốc tế, báo chí và dư luận trong nước lại không muốn và cũng không thể chôn vùi bức tranh thảm thiết những cái chết tức tưởi xảy đến liên tục với người nghèo.

Tận cùng là cái chết.
 Sự cùng khổ dân sinh ngày càng gia tăng

Tự tử vì nghèo đã trở thành một hiện tượng mãn tính trong xã hội được mô tả là chịu ăn chơi bậc nhất thế giới.

Một bà mẹ xấu số nguyện dùng tiền phúng viếng của mình để trả nợ và nộp học phí cho con… Hai cô gái đang tuổi xuân xanh rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông… Một chàng trai vừa bước vào tuổi trưởng thành dùng dây cáp internet treo cổ tự tử vì mắc bệnh nan y không có tiền chữa trị... Còn rất, rất nhiều những vụ tương tự mà nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ hai chữ “quá khổ”.

Báo chí và người dân hẳn cũng chưa quên câu chuyện của chị Lê Thị Ngọc N. cũng xảy ra tại TP. Cà Mau cách đây không quá lâu. Trước khi chết, N. đã từng thổ lộ muốn tìm đến cái chết vì nghèo khổ quá. Dù gia đình khuyên bảo nhưng người phụ nữ ấy vẫn khăng khăng: “Thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn, chứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng!”.

Người dân cũng mô tả một cảnh tượng đau đớn khác - cảnh đầu bạc khóc đầu xanh của vợ chồng ông bà Trần Ngọc Quang ngụ ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa - Phú Yên. Vào năm 2012, vợ chồng người con trai của ông Quang cùng đứa con mới 5 tuổi đã ôm nhau trầm mình dưới sông. Nguyên nhân cũng chỉ bắt nguồn từ quá nghèo khổ.

Nhưng còn giới chức chính quyền từ cấp trung ương đến các địa phương thì sao?

Nếu không thể hồi âm về thói vô cảm, họ vẫn còn một chỗ để dàn hòa trách nhiệm: cơ chế.

Bởi khi giới có trách nhiệm như thể câm lặng, những người chẳng có chức vụ gì lại buộc phản lên tiếng.

Theo ông Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học Đại học Mở TP.HCM, trong giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo ở nông thôn là dưới 400.000 đồng/người/tháng và ở đô thị là 500.000 đồng/người/tháng. Rõ ràng việc xác định ngưỡng nghèo tại Việt Nam thấp hơn so với chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới ấn định (60 USD/người/tháng, tương đương 1,2 triệu đồng/người/tháng).

Với chuẩn nghèo quá thấp như vậy nên những người được xác định là vượt nghèo (chẳng hạn như có thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng) thật ra vẫn còn thuộc diện nghèo theo chuẩn thế giới.

Hơn nữa, với tình hình lạm phát như hiện nay thì việc xác định chuẩn nghèo cho cả giai đoạn 2011-2015 là chưa hợp lý. Lẽ ra phải điều chỉnh theo mức trượt giá hằng năm mới đúng… Có như thế mới không còn xảy ra những chuyện đau lòng như trường hợp chị Mỹ Nhân “chết để con được học”.

'Còn Đảng còn mình'

Nhìn về bên kia thế giới và đỡ tồi tệ hơn rất nhiều, ở nước Mỹ đã chưa có ai phải “chết để con được học”.

Martin Wolf - một cây bình luận sắc sảo của tờ Financial Times - đã nêu ra nhận xét: đúng là ngân sách nước Mỹ có vấn đề trong dài hạn, nhưng chủ yếu là do chi phí y tế tuy thiếu hiệu quả nhưng tăng quá nhanh.

Y tế và an sinh xã hội, cho dù bị lên án là những mầm mống gây ra khủng hoảng ngân sách nước Mỹ, nhưng rõ ràng đã làm cho phần lớn người dân Mỹ an tâm hơn khi bước chân vào bệnh viện. Cho dù họ bị thất nghiệp. Cho dù Hợp chúng quốc Hoa Kỳ mới lọt lòng chưa đầy 300 năm…

Còn ở đất nước “bốn ngàn năm văn hiến” thì sao?

Lại nhớ đến tâm tưởng trong một cuốn tiểu thuyết về “những người đã chết và những kẻ đang sống”…

Còn bao nhiêu cái chết nữa chưa thành hình nhưng đã nằm lòng bản chất bị định đoạt? Còn bao nhiêu kẻ đang sống thờ ơ, vô trách nhiệm và lợi dụng đồng loại nhưng được ngụy trang bởi cái áo “còn Đảng còn mình”?

Gần đây, Nông nghiệp Việt Nam - một tờ báo chuyên về nông thôn và đời sống người dân, đã làm một loạt phóng sự về “Mối lo làng quê” và “Vỡ làng”. Không thiếu cảnh đau thương, tang thương đã dội lên từ con suối, cây tre, cánh cò và đồng ruộng hoang hóa lòng người như thế.

Những giọt nước mắt bất lực của độc giả cũng bởi thế đã tràn chảy trên trang báo.

“Bi kịch không được nghèo!” - như một lời trần thuật của báo chí Việt Nam - vào lúc thời kỳ “quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” đã kéo dài mòn mỏi hơn nửa thế kỷ qua.

Chẳng lẽ cần phải nói toạc ra: Đảng và Nhà nước đừng để người dân nào phải tự tử vì cùng khổ!

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chuyện lớn hóa nhỏ



Năm 20 tuổi, tôi nói:" Tôi".

Năm 30 tuổi, tôi nói:" Tôi và Mozart".

Năm 40 tuổi, tôi nói:" Mozart và tôi".

Còn bây giờ, tôi nói:" Mozart".

                          (Trích nhạc sĩ thiên tài Gu-nô)


Càng ngày mình càng thấy mọi thứ trong đời xảy ra dường như đều có bàn tay sắp đặt của Chúa. Nếu có ai đó hỏi rằng thế Chúa có thật không mà tin, mình sẽ trích ngay câu trả lời của chủ bút tờ The Sun giải đáp thắc mắc cho câu hỏi "Ông già Noel có thật hay không?" của một cô bé 8 tuổi cách đây hơn trăm năm. Rằng:


"...Ông già Noel có thực cũng như tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung có thực. Nhờ tất cả thứ ấy có thực mà cuộc đời chúng ta mới sáng và đẹp. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta tối tăm biết bao. Khi đó thì cũng không có em Virginia, không có niềm tin, không có thi ca, không còn có gì làm cho cuộc đời này có thể kham chịu được nữa...". 
Thế nhưng,
"...không ai có thể thấy tận mắt ông già Noel. Điều đó chưa chứng minh được gì cả. Mọi thứ trọng đại nhất thường thì phần lớn chúng ta không thấy tận mắt được...Bất cứ khi em thấy cái gì thì em cũng không thấy hết cái toàn thể đâu. Tại sao? Vì có một tấm màn ngăn che một thế giới đích thực mà không có sức mạnh nào trên thế gian này xé rách nó được. Chỉ có tình yêu và thi ca mới vén được nó lên mà thôi. Thì lúc đó ta mới thấy vẻ đẹp và sự lộng lẫy nằm sau bức màn đó...". (Trích tạp văn Thiên thần đã mất, Mộng đời bất tuyệt, Nguyễn Tường Bách).

Ừ, thì không phải cái gì ta không thấy được là cái đó không có. Thôi thì cứ tạm gọi những may mắn, những biến cố, những thành bại trong đời mình là ý Chúa hay nhân duyên hay nghiệp quả gì đó đi. Có gì mà băn khoăn phải không nào?
Có lẽ cũng cần nhắc lại một số sự kiện mà kẻ viết bài trải nghiệm. Năm 2008, một cánh cửa sổ kính khung nhôm đã rơi từ tầng 3 một tòa nhà vào ngay trán mình. Kết quả hiện trường cho thấy: kính vỡ tan, đầu mình đầy máu và khung nhôm nằm chỏng chơ. Nếu so với những tai nạn chết người khác như là một vụ quẹt xe làm nạn nhân va vào cột km mà chết hay đang ngồi uống cà phê bỗng xe tông vào chết hay những cái chết lãng òm khác đại loại như vậy thì sự sống sót của mình rõ ràng là do ý Chúa. Đã có rất nhiều chữ "nếu" giải thích cho sự sống sót kỳ diệu của mình. Gần đây lại là một vụ tai nạn kinh hoàng như phim hành động mà mình vướng phải. Chiếc moto do một tay xỉn quắc cần câu chạy với tốc độ cực cao đâm thẳng vào đầu xe mình. Chỉ kịp lách đầu xe tránh cú va chạm trực diện, chiếc xe máy đâm vào hông xe, hất tung tài xế lộn vòng trên không trung trước khi nạn nhân rơi uỵch xuống đất và bất động. Hiện trường ngổn ngang mảnh vỡ xe và nạn nhân hơn 10 phút không động đậy, có dấu hiệu tử vong. Mình tưởng tượng tới cảnh đắp chiếu quen thuộc trên đường. May sao sự kiện sau đó lại diễn ra theo một hướng thuận lợi không ngờ. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện, bác sĩ kết luận nạn nhân chỉ xay xát ngoài da sau cú ngã kinh hoàng đó, và sự nằm bất động kia chỉ là do xỉn quá mà ngủ. Vụ việc kết thúc trong sự biết ơn vô hạn của mình. Lại nói về chữ "nếu". Nếu lúc ấy mình chở vợ con không phải bằng ô tô, nếu chiếc xe tông vào mình không phải là xe máy, nếu nạn nhân tử vong tại chỗ hay sống đời thực vật, vv... thì không biết đời mình sẽ chuyển hướng ra sao nữa. 
Lại nói về chuyện của cha mình. Năm ngoái, ông vướng vào một bệnh do một loại virus kỳ lạ gây ra. Tất cả các loại kháng sinh đặc dụng mạnh nhất tung ra đều vô hiệu. Các bác sĩ đầu ngành đã sắp lắc đầu thì may sao một kết quả xét nghiệm cho thấy việc điều trị chỉ cần một loại kháng sinh rẻ tiền bán đầy ở hiệu thuốc. Hehe, con virus đó kháng hết 13/16 loại kháng sinh hiện có của nền y học hiện đại, nhưng bó tay với dexacilin. Thật thần diệu. Rõ ràng trong cuộc chơi của Chúa, con người chỉ biết đứng nhìn. Hay như gần Tết nguyên đán năm rồi, ông lại mắc ung thư da. Bệnh viện 115 lắc đầu không dám điều trị vì ông còn thêm bệnh suyễn bẩm sinh và một trái tim đã một lần bị nhồi máu. Nhưng Chúa đã mang các bác sĩ bệnh viện Ung bướu đến với ông. Ca mổ thành công tốt đẹp trong sự tự tin hoàn toàn của các bác sĩ. Bây giờ, nhìn những vết sẹo gọn gàng trên người ông là mình trào dâng xúc động, thầm cám ơn cuộc sống đã không giáng thêm nỗi bất hạnh nào cho ông và cũng cám ơn cuộc sống quá tốt đẹp với mình.
Hay những sự việc với con mình cũng vậy, hai năm liên tiếp vào mùa cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng nó đều nhiễm. Ơn Chúa, cả hai lần nó đều nhiễm bệnh này ở cấp độ thấp, dù lần 2 là lần sốt cao rất nguy hiểm. Mình nhớ vợ chồng mìn đã canh nó cả đêm để đề phòng chuyển biến. Nhưng phép màu đã xảy ra là hôm sau nó trở lại bình thường.
Rồi thông tin về những người thân hay quen biết của mình với những những ca đột quỵ khiến ra đi tức tưởi, những cơn tai biến kiến tứ chi bất toại, những cú sang chấn tâm lý khiến tâm thần bất minh. Lại những tai nạn kinh hoàng vô cớ khắp nơi xảy ra hàng ngày trên báo, những vụ cướp bóc giết người dã man. Ta đọc nó một cách bàng quan để mang vào những câu chuyện trong những cuộc cà phê. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, sẽ ra sao nếu những chuyện bất hạnh vô cớ ấy xảy đến với mình hay gia đình mình?

Thế nên, dẫu tin vào Chúa hay không, chí ít bạn cũng nên tin rằng, việc được sống bình an hàng ngày đã là một phép màu rồi. Và, nếu không làm gì tốt đẹp cho cuộc sống thì cũng đừng làm hại nó, dẫu chỉ là ý nghĩ, bởi Phật nói "Ý khởi đầu các pháp". Một ý tưởng nảy sinh đã là một hạt giống ươm vào Tàng thức, là cái nhân để ngày nào đó nó phát triển ra thành nghiệp quả, mà mình gọi có thể là ý Chúa ở bài viết này.