Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Mừng Chúa giáng sinh




Đức tin của tui ngắn chẳng tày gang, cho nên cứ đến Noel thì tui mới chịu nghĩ về Chúa. Cứ nghĩ về Chúa thì tui lại nghĩ về tình yêu của ngài. Nghĩ về tình yêu của ngài thì tui lại nghĩ về sự tồn tại của bọn IS, về động đất về sóng thần và về những chế độ cai trị man rợ vẫn còn khắp nơi trên thế giới. Nghĩ về đám ác ôn đó tui lại quay sang nghĩ về tình yêu của ngài. Nghĩ về tình yêu của ngài tui lại nhớ đến đức tin. Nhớ đức tin tui nhớ chuyện này:

Tối nọ có một tín đồ đi ngang nhà thờ. Anh dựng xe trước cổng vào cầu nguyện. Khi ra về anh ta đãng trí đi thẳng về nhà mà quên mất chiếc xe. Sáng thức dậy anh hớt hãi lao ra nhà thờ thì thấy chiếc xe vẫn còn nguyên vẹn. Mừng rỡ, anh cho rằng niềm tin đức Chúa của anh đã khiến ngài cảm động và bảo vệ tài sản cho anh nên lại vội vào nhà thờ để bày tỏ lòng tôn kính với Chúa lần nữa. Khi anh hào hứng trở ra thì chiếc xe anh bây giờ đã mất.
 

Đau đầu với câu chuyện này cùng với sự ác ôn của loài người cũng như thiên tai tồn tại song hành trong tình yêu Thiên Chúa, tui bèn đi hỏi ông Google. Google mang lại câu trả lời đến từ Baruch Spinoza(1623 - 1677): Spinoza lý luận rằng Chúa trời và Thiên nhiên là hai cái tên của cùng một thực tại. Các kết quả của hệ thống triết học Spinoza còn đem lại hình dung về một vị Chúa trời không cai trị vũ trụ bằng quyền năng, mà chính Chúa trời lại là một phần của hệ thống tất định mà mọi thứ trong thiên nhiên đều là một phần của hệ thống này. Do đó, Chúa trời là thế giới tự nhiên và không có tính cá nhân.
Quan điểm này đã được nhà bác học Einstein đồng tình trong bức điện trả lời Goldstein năm 1929: "Tôi tin vào vị Chúa trời của Spinoza, vị Chúa thể hiện mình trong sự hài hòa trật tự của những gì tồn tại, tôi không tin vào một vị Chúa quan tâm đến số phận và hành động của con người."

Trở lại chuyện đức tin, nhà khai sáng Tin Lành, Martin Luther đã có một cái nhìn ôn hòa trung dung đầy minh triết: “Tôn giáo không phải là "kiến thức thần học", mà là sự thông tuệ sản sinh từ trải nghiệm cá nhân”. Với hạ trí của mình, tui cũng bày đặt nghĩ, ở tầm cao nhất của niềm tin tôn giáo, có lẽ là thứ tôn giáo như Châu Diên hình dung qua lời giới thiệu bản dịch tác phẩm Nhà tiên tri của Khalinl Gibran dưới đây:

“Ta bắt gặp ở đây một tôn giáo mới, cái tôn giáo của người có văn hóa cao, của văn minh đích thực, cái niềm tin tôn giáo ở trong lòng từng con người khi sống hồn nhiên với chính mình và sống hồn nhiên với kẻ khác. Đó là một niềm tin vào một lối sống thuận tự nhiên cao nhất vì có văn hóa cao nhất và văn minh nhất. Ta có thể đoán biết những ai chắc chắn chống lại niềm tin mang tính tôn giáo cao đến mức ấy. Song, một niềm tin tôn giáo như thế chắc chắn sẽ là thuộc tính sắp tới của con người trong thế giới văn minh đích thực, không sống sượng.”

Mừng Noel 2014.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

TÔI NGHĨ GÌ? (Bài của Va-li)

Tôi trong bài này là Va-li, cô nàng nổi tiếng vì sống sót sau trận bao tuyết cùng lá thư gửi bộ trưởng Bộ GD. Bài viết này của em í có bài thơ hay nên cóp về nhà mình coi như làm tư liệu.

Tôi đã khóc. Khi nhìn thấy hình ảnh vị thầy nâng niu cuốn từ điển như một báu vật. Tôi nhận ra ngôi làng Aruchour nghèo nhưng không đói. Vì những người dân nơi đây đã luôn luôn lao động không cho đất nghỉ, không cho đất ngừng. Tôi thấy các em học sinh ở đây thiếu thốn đủ bề nhưng chưa bao giờ thương hại các em. Vì tôi biết, rồi một ngày nào đó, các em sẽ vươn xa bằng những chuyến hành trình lên núi cõng chữ về trường như thế. Giống như người dân Nepal xa xưa ấy, họ đã đập từng quả núi để xây nên một đất nước có hình hài dáng vóc đẹp như bây giờ.
Tôi nghĩ về Việt Nam, về thế hệ cha ông đi trước. Tôi không biết cha ông tôi có bao giờ hối hận vì đã hy sinh, đổ máu quá nhiều để xây nên một đất nước như hôm nay không. Dẫu vậy, ít nhất họ đã nếm mật nằm gai để thực hiện lý tưởng cao cả của họ, giành lại hòa bình cho Tổ quốc. Nhưng tôi bắt đầu thấy thương hại những bạn trẻ ở đất nước tôi - những người chỉ biết đòi hỏi “con đi học thì mẹ phải mua cái xe SH cho con, con làm bài tập thì mẹ phải cho tiền mua cái iphone mới cho con”. Đất nước tôi, rồi sẽ lụi tàn trong tay những bạn trẻ chỉ biết đòi hỏi và ngại hy sinh như thế.
Tôi bỗng nhớ về bài thơ của anh bạn tôi - Gia Hiền:
“Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu...
...vì...
...đôi lúc...
...phải cạo râu!
Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh...
Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?
Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!
Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone
Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?
Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?
Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua...