Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Võ, Đạo và...Tennis

Cứ mỗi lần HBO chiếu Cậu bé Karate (phiên bản Thành Long) là mình không cưỡng được phải xem, đến tối hôm qua có lẽ đã là lần xem thứ tư hay hơn nữa của mình rồi. Và dù có phải bỏ qua bất cứ cảnh nào của phim thì mình cũng luôn mong chờ đoạn cuối, trận chung kết của Dre và Trình. Đặc biệt chỉ chờ xem duy nhất trong 1 giây cú đá tuyệt đẹp của Dre tung người lộn ngược giáng chân vào đầu hạ knock-out đối thủ. Cú đá tung ra sau thế thủ "Kim kê độc lập" vì 1 cái chân đã muốn gãy nát của Dre cùng với một sự tập trung tuyệt đối có lẽ đạt đến cảnh giới thiền định. Và trong một sát na không còn võ không còn người đó, toàn bộ thân tâm cậu bé đã xuất lộ một chiêu thức tuyệt đỉnh kinh hoàng.

Điều thú vị mà mình thấy qua cách truyền võ của chú Hán (Thành Long) cho Dre đó là các động tác mềm mại và đơn giản của Thái cực quyền cùng với tinh thần luyện tập "võ trung hữu đạo" (trong võ có đạo) làm mình thấy nó thật gần gũi với...tennis. Thật vậy, ngay trong trận đấu đầu tiên nhiều bỡ ngỡ, trước sự dồn ép liên tục của đối phương, cậu bé Dre vô thức hóa giải đòn thế đối phương bằng chiêu "Lâu tất ảo bộ" phải luyện hơn nửa thời gian đầu học võ bằng cách học mặc áo theo phương pháp của thầy Hán, để rồi hết sức tự nhiên như một dòng nước trở ngược bằng thức "Án" của chiêu "Lãm tước vĩ" đẩy đối phương văng xa thảm đấu. Nói về động tác của chiêu "Lâu tất ảo bộ", quả thật các chú lượm banh trong sân tennis không ai dạy nhưng hết sức thuần thục, vì nó rất gần với cú tạt thuận tay. Các chú ấy lợi dụng việc quét rác trên sân để tập quả thuận tay bằng cách quơ cây chổi ra, quét rác và vòng chổi lên vắt vai theo đà quét. Vô tình động tác y hệt chiêu "Lâu tất ảo bộ". Ta biết, để đánh tốt quả thuận tay trong tennis thì điểm chạm bóng phải trước mặt, mặt vợt vuông góc hướng bóng và cứng cổ tay nhưng lỏng cánh tay. Đặc biệt phải hoàn toàn không dùng lực cản đà vợt. Chính điều này đã rất gần với yếu quyết "Dụng ý bất dụng lực" và "Tương liên bất đoạn" (đòn thế liên tục như nước) trong thái cực quyền. Và có lẽ tất cả những ai chơi tennis đều trải nghiệm được cảm giác sướng khoái của một đường bóng đẹp như tranh vẽ là kết quả của một sự kết hợp hài hòa của tinh thần tập trung, động tác mềm mại và hành động dứt khoát . Trong một cảnh giới như vậy, ta lại thấy đó là hành động "chánh niệm" trong tinh thần nhà Phật.
Nói thêm một chút về "chánh niệm", gần chục năm trước, một đồng nghiệp già của mình rất hào hứng kể lại sự sướng khoái của môn khiêu vũ. Ông nói, khi khiêu vũ, ông chỉ còn thấy những động tác, những động tác làm ông như tan ra trong giây phút hiện tại. Xong một vũ điệu, ông cảm thấy ông sống nhiều hơn cả một ngày làm việc trước đó. Rõ ràng, đây là điều các thiền sư luôn hướng chúng ta sống: tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Thế nhưng, "tâm viên ý mã" thật khó mà sống trọn vẹn từng giây. May thay, tennis cùng Thái cực quyền đã làm rất tốt việc đó. Nếu ai đó cảm thấy cần một đức tin để bám víu trong thời buổi hỗn mang nhập nhèm giá trị này, hãy chọn Phật giáo. Nếu bỡ ngỡ trước một rừng kinh luận đại thừa tiểu thừa kim cang thừa cùng hàng ngàn pháp môn tu tập mật tông thiền tông tịnh độ tông thì đơn giản, hãy chơi tennis hoặc tập Thái cực quyền.
Xin cảm tạ Chúa đã sáng tạo 2 thứ ấy cho thế giới này. A men.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét