Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

BẠO HÀNH


Trưa, cà phê với một người bạn. Thấy quán có trang trí chậu cá kiểng, bạn hỏi nhà mày có nuôi cá không? Rồi trả lời luôn, tao là tao căm thù cá chậu chim lồng. Hắn thao thao, mày nghĩ coi con cá nó ở ngoài sông rộng bao lớn, con chim bay trên trời sải cánh tự do thế nào. Thế mà mình nuôi nó trong cái chậu cái lồng bé tí. Chim nó hót nó nhảy cho mày nghe sướng tai không phải là là nó vui sướng gì đâu. Nó không tung cánh được nên bức bối nhảy loạn rồi kêu khóc thảm thiết đó.
Mình nghe hắn nói đực mặt ra thấy quá đúng. Quả thật nuôi nhốt động vật trong một không gian không tương thích với hoạt động của nó là một kiểu cầm tù tàn tệ thậm chí là cách bạo hành rất nhẫn tâm. Loài người bị cầm từ còn có hy vọng ngày tự do cũng như có cơ hội hít thở cái khoáng đạt của đất trời bằng những buổi lao động dã ngoại. Thế nhưng, loài chim cá đang tự do bay lặn kia không phạm bất cứ tội gì, nhưng vì cái sự thỏa mãn điểm tô thêm cho các món giải trí mà bỗng dưng chịu án chung thân không có bất cứ hứa hẹn nào ngày thoát khỏi kiếp nạn.
Chợt nhớ gần đây có dịp đưa con đi chơi ở khu du lịch Suối Tiên. Hôm ấy có màn biểu diễn cá heo rất đặc sắc. Mình và bé con cũng hả hê hoan hô. Cho đến khi một hôm có anh bạn share trên face, rằng loài cá này sinh sống ở đại dương, độ sâu hàng trăm mét, tầm bơi lên đến hàng ngàn ki lô mét. Do đó, việc nuôi nhốt huấn luyện nó đặc biệt trong một không gian chật chội như cái hồ ở Suối Tiên  là một kiểu bạo hành loài này dã man.Chưa dừng ở đó, vườn thú của khu du lịch này còn bất nhẫn hơn nữa. Đó là trại nuôi gấu lấy mật đúng nghĩa chứ không hề là một vườn thú để mọi người tham quan. Những kẻ kinh doanh tàn ác đã xây những cái chuồng sắt vừa gần khít thân hình con gấu để từ đó chúng chỉ còn nằm thừ trong chuồng cho đến cuối đời và chờ những mũi tiêm xuyên thân lấy mật định kì đầy đau đớn.
Không biết việc nuôi nhốt thú kiểu bạo hành như thế có ảnh hưởng gì đến thân tâm hay sự nghiệp gì của kẻ nuôi hay không, nhưng mình có biết một quan chức cũng thuộc hàng tứ phẩm có thú vui tao nhã là chơi đại bàng và một số thú gồm kỳ đà, khỉ, cá, chim các loại khác có một sự nghiệp gần cuối đời không hề như mong đợi.
Sở thích của bác này xem ra cũng rất nhân văn, so với một số sở thích khác là gái gú rượu chè bét nhè đàn đúm. Chú đại bàng chiều lòng sở thích quan này được nhốt trong chuồng mà đường kính chuồng có lẽ không lớn hơn sải cánh của nó. Chân bị xiềng và cánh không biết có bị cắt không mà mình chỉ thấy nó lâu lâu vỗ xoèn xoẹt. Những cú đập cánh đầy tuyệt vọng và hèn kém chẳng khác chi gà.
Trông cảnh ấy mình liên tưởng ngay đến cú sải cánh đầy uy dũng của loài đại bàng lúc tự do. Nó cũng giống như những bước đi uể oải đầy căm phẫn của những loài hổ báo bị nhốt trong vườn thú. Thật đúng là "Anh hùng khi đã sa cơ cũng hèn".
Gần đầy có phóng sự về các bảo mẫu bạo nhành trẻ con trông rất phản cảm. Trong vô số ý kiến ném đá thì mình thấy có một ý kiến rất giống ý mình. Đó là các bảo mẫu đánh đập trông dã man đấy nhưng không hề gây chấn thương nào cho trẻ. Nhưng rõ ràng chấn thương tinh thần đối với chúng không hề nhỏ chút nào. Điều này giống hết như việc nuôi nhốt động vật làm cảnh thỏa mãn sự giải trí của con người. Này thì ta cũng chăm chút miếng ăn, chăm lo bệnh tật tỉa tót lông cánh cho đám thú cưng này. Thế nhưng mình cảm giác với đám mãnh thú rừng xanh như đại bàng như gấu này điều đó có khác mấy chuyện danh tướng chịu cảnh kẻ thù làm nhục. Chả trách món quà cuối cùng mà Phạm Lãi tặng cho Ngô vương Phù Sai lúc Cô Tô thành thất thủ là một lưỡi gươm. Lưỡi gươm đoạn tuyệt với một tương lai tù hãm của bậc anh hùng. Thế Lữ có lẽ đã cảm thông sâu sắc với nỗi buồn này của mãnh thú:
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Chỉ thương cho loài mãnh thú không có ai tặng gươm. 
Lan man trong câu chuyện bạo hành, từ trẻ con đến thú vật này mà thầm mong loài người nhanh tiến đến một nấc văn hóa nào đó để không vì vài sở thích cá nhân mà vô cớ tước đoạt thô bạo vĩnh viễn tự do loài khác cũng như sỉ nhục thiên nhiên bằng cách giam cầm mãnh thú.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét