Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

VÀI CHUYỆN NHẶT ĐƯỢC TỪ TẾT VIỆT

1. CHUYỆN NHÀ VĂN HÓA




Tay cầm chai sữa đã uống hết của đứa nhỏ, giả bộ tính làm hành động văn hóa trước mặt nó là cho rác vào thùng. Thế nhưng, trong vòng 10m kể từ chu vi của nơi văn hóa bậc nhất thành phố này, thậm chí ra khỏi cổng khuôn viên cũng không thể tìm được một cái giỏ rác. Thiệt trừng phạt người thì dễ nhưng làm gì để người đừng bị phạt mới là nghệ thuật. Chợt nhớ 2 câu chuyện từ 2 cách làm.
Tại điểm cuối đường cao tốc vào Nguyễn Văn Linh, để hạn chế tốc độ còn 20km/g, người ta tạo những gờ rất lợi hại mà quái xế nào xem thường sẽ phi thẳng xe vào tử lộ. Thế là tự động xe cứ ngoan ngoãn nối đuôi vao giao lộ rất trật tự. Trong khi ở hầu hết bùng binh còn lại, tài xế luôn bị ám ảnh biển giới hạn 20 cách xa hàng trăm mét mà đường thì cứ thênh thang. Thiệt ý thế nào thì ra hành động đó mà.
Chuyện thứ 2 từ tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư. Số là để là xã văn hóa, người ta gom hết những gì họ nghĩ là kém văn hóa như người già người nghèo người tàn tật về một chỗ xa trung tâm hàng cây số, đến đêm mới cho ló mặt về. Và tên nữ phải là Kim Huệ vì đẹp, nên có em tên là Kim Huệ Chín (người thứ 9 tên đó, hehe).
Xem ra, nhà văn hóa trung tâm thành phố mới lên này xem thùng rác là thứ hôi thối vô văn hóa nên nghiêm cấm bén mảng vào khuôn viên. Và khách văn hóa đến thăm vô tư thực hiện hành vi văn hóa là vứt bừa rác đầy sân, hehe.

 2. CHUYỆN NHÀ CHÙA





Đi ngang trung tâm đào tạo Phật học hàng đầu của tỉnh quê nhà, chợt nghe rổn rảng gì đó như loa phường. Thì ra đó là xe hoa biểu tượng Phật giáo thành phố. Thế nhưng cái "loa xe hoa" này không nói gì về những điều đơn giản tốt đẹp như đức Phật giảng pháp mà ra rả những thứ vời vợi cao xa, cái gì như là giàu mạnh công bằng văn minh định hướng chả ăn nhập gì thường nhật đời sống, sướng khổ dân tình. Càng nghe, kẻ mộ đạo lòng càng đau như cắt, chỉ tiếc không xông vào đại điện mà ngó mặt cái tay chủ trì chùa nọ, nói với hắn rằng kẻ tu là con sư tử chứ ko phải cừu. Lại muốn nói to với cái giọng ra rả kia rằng, xưa Judas bán Chúa còn chưa tồi tệ bằng việc nhân danh Phật mà nói những điều Phật chưa bao giờ nghĩ ra. Lòng buồn đau như cắt, bản năng vô thức dắt chân kẻ viết bài lần hồi về nhà mách mẹ. May là mẹ hắn là một con sư tử già chính hiệu. Bà ôn tồn bảo cứ yên tâm con trai, bọn sư hổ mang mẹ đã có danh sách. Phật nói từ bi nhưng phải trí tuệ mà con. Nhẹ cả người. Hy vọng các Phật tử thuần thành đủ trí tuệ để soi được đám sư hổ mang.
May mắn làm sao, giữa những cà sa đầu cạo xe hơi đời mới điện thoại cảm ứng kia, vẫn còn những cư sĩ râu tóc đầy đủ, đều đặn bốc thuốc chữa bệnh miễn phí người nghèo. Kinh luận không biết đến đâu nhưng thề không bao giờ bán Phật.
P/s: ngôi chùa Tịnh Độ nơi các vị cư sĩ bốc thuốc chữa bệnh, đến nay còn cần một ít tiền để hoàn thiện. Thiện hữu trí thức xa gần du lịch Sa Đéc nên gieo chút thiện duyên vào con đường dài cứu độ của các vị ấy.

 3. CHUYỆN ĐƯỜNG HOA



Năm nay ở 2 cái thành phố liên quan đến mình đều có những sự kiện lớn liên quan đến hoa. Một cái Tp lớn thì lần đầu tiên làm đường hoa, một cái Tp nhỏ thì làm giỏ hoa lớn nhất VN, đồng thời gom luôn chợ hoa truyền thống về đấy. Như mọi người, thú vui ngày Tết dạo chợ hoa, thế nhưng 2 sáng kiến về hoa ở 2 tp này đều mang về cho kẻ xem hoa này cảm giác hụt hẫng đến ấm ức. Nếu như tối qua xem đường hoa ở Tp lớn gặp phải cảnh mai bị cưỡng bức gắn hoa nhựa cùng một câu hỏi nghe được ko dưới 3 lần từ dòng người thưởng lãm khi đứng trước một cảnh hoành tráng: làm cái này biết nhiêu tiền đây trời, thì hôm nay ở Tp nhỏ, không chỉ mai bị cưỡng bức mà người ta đã cưỡng bức cả một chợ hoa về một nơi đó giờ chả liên quan gì đến hoa theo ý chí của ai đó. Không biết các vị làm văn hóa có chịu nhận ra từ hàng chục năm nay ở tất cả những nơi có chợ hoa, một cách đầy tự nhiên bà con ta luôn chọn chưng hoa cặp các con sông. Và mọi ý chí làm ngược điều tự nhiên đến hiển nhiên này đều có kết cục thê thảm. 
Có lẽ nên thông cảm với những người nắm quyền lực làm văn hóa, bởi áp lực làm điều gì đó tốt hơn cho dân. Thế nhưng, xin đừng nỗ lực biến Tết trở thành một sự kiện. Bởi đơn giản, Tết chưa bao giờ là một sự kiện, mà nó là một không gian văn hóa. Chính cái chộn rộn chợ búa, sự quây quần nấu nồi bánh chưng bánh tét, niềm vui đầm ấm bên người thân bạn hữu và sự suy ngẫm cá nhân trong hương khói chuông chùa sau một năm trời tất bật mới tạo nên ngày Tết. Những ai mong muốn biến nó thành sự kiện để du lịch để biếu xén lấy lòng đều là hủy diệt Tết. Và theo đà này, không quá 5 năm nữa, Tết Việt sẽ suy đồi thành một chuỗi ngày nghỉ dài để tiêu hoang.


Lạy Chúa, xin đừng để một chút sướng cuối năm cũng cần được định hướng.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét