Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nghề y nên vì người nghèo hay người giàu?

Đó giờ tui cũng nghĩ cứ cái gì vì người nghèo là tốt, nghề y càng đặc biệt tốt, như bài báo này. Nhưng giờ thấy vậy chưa đủ, mà nó còn phải vì người giàu nữa thì mới gọi là cần và đủ.
Năm ngoái, cũng ngày này, tui có kể chuyện một điều dưỡng nhận phong bì nhưng vẫn chăm sóc như nhau cho tất cả bệnh nhân mà anh ấy phục vụ, cả phong-bì và không-phong-bì, nên tui kết luận: Y đức và tiền bạc không hề dính dáng gì nhau. Sự lương thiện, cũng như phong bì, nó là một thái độ, người ta có quyền chọn, hoặc không. Bởi về bản chất, phong bì không có gì xấu xa khi làm cho cuộc sống vật chất của người nhận đàng hoàng hơn.
Tiếp nối mạch tư duy này, năm nay tui cho rằng nghề y phải vì người giàu. Nghe có vẻ đê tiện trọc phú nhưng sự thật là chỉ có người giàu mới làm thay đổi cuộc sống (báo cáo của tổ chức nhân đạo Oxfam chỉ ra rằng 1% dân số thế giới đang nắm tài sản nhiều hơn 99% còn lại). Vì thế, bao nhiêu cảnh đời bất hạnh thê lương vì bệnh tật báo chí đăng nhan nhản kêu gọi hảo tâm hằng ngày, chỉ cần một tay nhà giàu nào đó động tâm ra tay nghĩa hiệp thì mọi thứ ổn ngay lập tức.
Ngành y, tư duy vì người nghèo là tư duy đi vào ngõ cụt, giống như ôm nhau chết chìm vậy. Thử nghĩ, cứ bán cái gì mà dưới giá thành hoài thì vốn nào còn mãi. Cho nên, cần phải mang lý thuyết Marketing vào nghề này, tức là phân khúc khách hàng ra. Cứ chăm sóc anh nhà giàu cho ảnh thật sướng, rồi lấy tiền cao vào, nói rõ là bao nhiêu phần trăm của anh tui lấy để tài trợ cho các trường hợp ABCD hiểm nghèo bi kịch gì gì đó, bảo đảm đây là một giải pháp win-win. Có một nhân vật trong tiều thuyết tui đọc hồi đó, tên truyện thì quên nhưng tên bác sĩ thì nhớ, là Geraudin, thuộc loại giáo sư đầu ngành, ông mở phòng mạch tư lấy  giá cực cao, nhưng trong bệnh viện, ông làm mọi thứ cho bệnh nhân nghèo, kể cả thử phân cho họ.
Cái lý thuyết Marketing phân khúc khách hàng không chỉ đúng trong ngành y, mà còn đúng cho mọi loại hình sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt trong quản lý xã hội, nó là cái phao cho các ngành tiêu tiền ngân sách nhưng không có nguồn thu. Thu được hay không là do ta có tạo ra giá trị hay không thôi, chứ tiền trong thiên hạ chỗ nào mà không có. Cái cách tạo ra giá trị gia tăng để thu người giàu rồi tài trợ lại cho người nghèo này không mới. Nó là cách của mafia Ý kiểu lấy mỡ nó rán nó, kiểu quân tử Tàu lấy của người giàu cho người nghèo, còn qua kiểu hàn lâm học thuật thì mang cái tên phân khúc khách hàng vậy thôi.

Rốt cục lại thì nghề y vì người giàu hay người nghèo, tui xin lấy câu trả lời đủ ý của bác sĩ (thứ thiệt) Trương Hữu Khanh trong bài báo này thay cho lời kết: “Dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất chỉ nên thực hiện theo hướng tiện nghi, thuận tiện. Còn chuyên môn hay phương pháp điều trị phải công bằng".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét