Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Cúng bái khấn vái


Ngày Tết, vãng chùa mình rất thích không gian nơi ấy. Người người mặt mày trang nghiêm rạng rỡ, thành kính dâng hương lễ Phật. Khói nhang huyễn hoặc mang một mùi hương đặc trưng làm lắng lòng khách viếng. Ai nấy đều chí thành khấn nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm. Nét văn hóa ấy sẽ rất đẹp nếu cái sự khấn nguyện ấy đừng đi quá xa vào cái dung tục của kiếp người. Chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy những cầu xin tiện nghi vật chất nơi cửa Phật mới vớ vẩn làm sao. Đã từng ở nơi đỉnh cao quyền lực, tài sản và sắc dục vô số, Phật đường hoàng từ bỏ để tìm đạo giải thoát cho con người. Để rồi chân lý tứ diệu đế cùng hàng ngàn pháp môn giải thoát đã được Ngài khai ngộ cho triệu triệu kiếp phù sinh. Thế nhưng, loài người với bản tính tham lam không cùng tận lại cố tình khoác cho Ngài chiếc áo quỷ thần để xin xỏ những ham muốn tầm thường trong cuộc sống. Có vị lầm rầm khấn vái cả một tràng dài chắc là xin kỳ bằng cho hết những ước muốn hoang đường thầm kín. Có vị cúng dường một núi hoa quả hương đăng cùng phong bì dày cộp như muốn lo lót chốn Phật đường.
Nơi cửa Phật là vậy, ở các đền miếu thờ cúng các thánh thần, sự thể còn bát nháo vạn lần. Từ chỗ là nơi người sống tri ân những người có công đã chết linh thiêng phò trợ, dần dần, sự tham lam vô độ của con người thật sự biến những nơi ấy thành nơi mặc cả với thánh thần. Các mâm đồ cúng xôi thịt tranh nhau đến gần nơi thờ tự, khói nhang nghi ngút tranh nhau xem bó nào to hơn như thể ai đốt nhiều nhang thì quỷ thần nghe lời khấn rõ hơn vậy. Câu chuyện làm mình nhớ một vở kịch đã xem hồi nhỏ, đã in đậm vào kí ức qua nét diễn tài hoa của Quốc Thảo và Thành Lộc, chuyện như vầy: Một anh sinh viên rất nghèo (Quốc Thảo), ước mơ đổi đời có một cuốc sống sung túc giàu sang. Sẽ là bình thường nếu anh chịu khó học hành siêng năng, làm việc cật lực. Nhưng không, anh chỉ muốn hưởng cái có sẵn. Vì một cơ duyên gì đó, anh làm quen được với một con quỷ (Thành Lộc). Khi đã quen thân, anh thử trình độ ma thuật của quỷ bằng cách xin với con quỷ xin một chiếc xe đạp. A lê hấp, con quỷ biến cho anh ngay một chiếc xe đạp. Rất ấn tượng, anh tiếp tục xin nhiều nào là đồng hồ, nào là quần áo đẹp, nào là tiền bạc (thời ấy chưa có laptop và smartphone). Và lần nào, phép thuật của quỷ cũng không làm anh thất vọng. Hôm sau, cô bạn sinh viên nghèo ở trọ gần anh hốt hoảng la lên là bị mất chiếc xe đạp, tiếp đó mấy người bạn  khác cũng la lên, kẻ mất đồng hồ người mất bóp. Chàng sinh viên lúc này mới xem lại, thì ra tài sản quỷ mang lại cho anh là từ những người bạn. Anh tức tối hỏi quỷ, quỷ cười xòa nói: Ta là quỷ mà, ta đâu tự nhiên biến ra được thứ gì, ta chỉ mang của chỗ này đến chỗ khác thôi, hihih.
Mình ấn tượng quá, ấn tượng đến độ cực đoan mỗi khi nhìn thấy ai khấn vái trước ông thánh này bà thần nọ cầu xin là mình nghĩ ngay đến sự mất mát của ai đó vì cái sự có của người này. 
Chuyện vái lạy cũng vậy, chúng ta chỉ thành tâm dập đầu trước những bức tượng chứ không bao giờ lạy tạ người sống hay thiên nhiên tươi đẹp. Trong khi đó, quan sát việc cúng khai trương, cúng xe,... mình thấy người cúng thất thành tâm chí nguyện trước đồ cúng, mà đồ cúng khi đó là 1 con heo quay, một con gà luộc. Thành ra cảnh tượng cứ trông như là bái lạy heo quay, gà luộc. Thế là đúng hay sai nhỉ???
Trong một lần cúng chay ở nhà người bạn, một vị sư không biết đạo hạnh thế nào nhưng cực kỳ tự tin tuyên bố, người sống ngồi đây các vị không lạy, lại cứ xì xụp trước mấy bức tượng kia. Mình thật sứ ngớ người trước câu nói ấy. Chợt nhớ tới một giai thoại thiền: một ngày mùa đông rất lạnh, hai thầy trò thiền sư nọ đã đốt hết củi dự trữ sưởi ấm mà vẫn còn rét run. Ông thầy bảo học trò, lấy tất cả cái gì bằng gỗ cho vào lò, chú tiểu tìm kiếm hết cả chùa xong lập cập bảo: bạch thầy, đã không còn gỗ nữa ạ. Ông thầy quắc mắt: thế cái gì đây? Nói đoạn, ông vớ lấy bức tượng Phật bằng gỗ thẳng tay cho vào lò trong ánh mắt sợ hãi của người đệ tử.
Vị thiền sư nọ nếu không phải kẻ điên thì chắc chắn là tay tu hành đạt đến trình độ kinh khiếp. Trình độ mà tâm đã không trụ vào đâu để còn có cái ngã mà sợ hãi. Cũng như vị thiền sư nọ khi đi thăm một người bạn. Đến nơi, thổ địa nể sợ công phu mà ra vái chào, thiền sư mới chậc lưỡi bảo: Ta tu hành thấp kém, khởi ý du hành đã bị quỷ thần thấy được.
Thế mới hay, tâm ý của con người cũng kinh động quỷ thần lắm lắm. Cao Huy Thuần trong truyện ngắn đăng báo xuân có kể một câu chuyện. Một nhà sư cầu siêu cho một người chết bất đắc kì tử, do thể xác mỏi mệt mà tâm trí không định, đã để người chết không được siêu thoát, cứ là oan hồn vất vưởng thế gian. Nhân kinh nghiệm ấy, nhà sư mới khuyên chuyện cúng bái là phải hết sức cẩn trọng, tâm ý lòng thành, lễ nghi nghiêm chỉnh. 
Liên hệ 2 câu chuyên động tâm của thiền sư với câu chuyện con quỷ trong kịch Thành Lộc mình chợt kinh sợ việc khấn vái cầu xin. Ý khởi đầu các pháp, một ước muốn khởi sanh mà quỷ thần bắt được và kết giao thì không biết là điềm lành hay dữ. Nhân quả rành rành ra đó, tài hèn mà tước vị cao, đức mỏng mà quyền lực lớn, trách sao không sinh biến?

Thôi thì tay làm làm nhai, chỉ xin hai chữ bình an mà vui vầy cùng bạn hữu.
P/S. Mình lượm được 1 còm bên blog của Nguyễn Ngọc Tư, không biết tác giả nào nhưng mà hay quá, mạn phép được dán vào bài vậy:

Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè
Chùa cũng như ... đời ngoài kia
Cũng thứ hạng
Cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm
Chỗ kia thị trường
Đành rằng tất cả vô thường
Thôi
Ta về lại phố phường
Ẩn tu .

2 nhận xét:

  1. Đây là bài thơ RẰM THÁNG GIÊNG LÊN CHÙA của Nguyễn Văn Gia.Vào Google gõ dòng đầu tiên là thấy tên tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Xin chân thành cám ơn thong tin của bạn Nặc danh. Nhờ thông tin này mình biết thêm được một bác làm thơ cũng rất tuyệt.

    Trả lờiXóa