Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Vài chuyện vui buồn đầu năm


Tối qua cơm chiều, mục tin loanh quanh thế giới bỗng có tin một cụ già ăn xin trả lại chiếc nhẫn kim cương cho người đã lỡ đánh rơi vào mũ của ông trong lúc nghĩa hiệp tặng tiền. Mặc dù chuyện xảy ra ở Mỹ nhưng mẩu tin như vậy làm mình có niềm vui nho nhỏ cuối ngày, cơm cũng nuốt trôi hơn.
Cơm xong chở con ra đường chơi, đang vi vu hóng gió mắt bỗng trượt lên một thân cây có treo biển quảng cáo. Biển quảng cáo treo khẩu hiệu: Lương y phải như từ mẫu. Mình đọc xong tối sầm mặt mũi. Than ôi là cái lương y, có thật là nó đã suy đồi đến mức phải dùng đến biện pháp hành chính là  "phải" để thực hiện nó không. Chợt nhớ lại lời thở than của ký giả nổi tiếng của Mỹ tên là Chris Hedges mà mình lượm lặt được trên mạng:

"Chúng ta hiện đang sống trong một đất nước nơi mà các bác sĩ hủy hoại sức khỏe, các luật sư hủy diệt công lý, các đại học hủy diệt tri thức, chính phủ hủy diệt tự do, báo chí hủy diệt thông tin, tôn giáo hủy diệt phẩm hạnh và các nhà băng hủy diệt nền kinh tế...”

Ngoại trừ vụ nhà băng độc quyền vàng miếng và truy cùng đuổi tận nợ bằng lãi quá hạn mình đã thấy rồi, còn lại các thứ kia mình chưa biết ra sao. Nhưng cái vụ bác sĩ hủy hoại sức khỏe thì ở BV115 người ta đã làm chuyện đó từ lâu bằng cách bán thuốc quá đát (nguồn ở đây). Bởi vậy thật khó trách người ta đã tuyệt vọng kêu gọi lương y "phải như từ mẫu".

Còn vụ tôn giáo, đám người giẫm đạp nhau cảnh chùa chiền, thịt chó thịt lợn treo đầy trước cổng tự, thùng công đức giăng đầy như thiên la địa võng và nhà sư khóa môi nồng nàn ca sĩ đồng giới ở quán bar không biết đã gọi là hủy diệt phẩm hạnh hay chưa. Nhưng như một fan của Nguyễn Ngọc Tư cảm thán thì thấy không sai chút nào:
Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè
Chùa cũng như ... đời ngoài kia
Cũng thứ hạng
Cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm
Chỗ kia thị trường
Đành rằng tất cả vô thường
Thôi
Ta về lại phố phường
Ẩn tu . 

Gần đây lại rộ lên vụ đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm, mình mệt mỏi quá chưa biết làm gì bỗng SGTT xuất hiện một bài quá đỉnh, tác giả là Nguyễn Đức Thành. Xin trích một đoạn trong bài của ông: (nguyên văn ở đây).

Nhà kinh tế hàng đầu của chủ nghĩa tự do Pháp thế kỷ 19, Frédéric Bastiat (1801 – 1850), từng kể một câu chuyện ngụ ngôn được hậu thế trích dẫn rất nhiều. Đó là câu chuyện “Hiệp hội những người sản xuất nến” đã thỉnh cầu chính quyền thực thi chính sách hỗ trợ cho công việc kinh doanh của họ. Trong bản thỉnh cầu, họ tố cáo mặt trời chính là kẻ cạnh tranh lạnh lùng nhất đối với họ. Vì thế, họ mong chính quyền ra một sắc lệnh cấm mọi thần dân mở cửa sổ vào ban ngày. Nhờ thế, không chỉ ngành sản xuất nến của họ sẽ phát triển bền vững, mà cả những ngành cung cấp nguyên liệu cũng nhận được ảnh hưởng lan toả, và nhờ thế làm xã hội thịnh vượng hơn! 
Trong đời sống hiện đại, câu chuyện của Bastiat, tiếc thay, không có vẻ gì là hoang đường. Nó phản ánh đặc điểm của các nhóm lợi ích ngay từ những buổi đầu sơ khai của kinh tế thị trường: nguỵ biện, tham lam, mù quáng và tàn nhẫn.
Nguỵ biện vì các đề xuất chính sách đều được bao bọc bằng những lập luận hoa mỹ về phúc lợi chung. 
Tham lam vì nó mong muốn giành được quyền lợi cho bản thân bất chấp mọi giới hạn. 
Mù quáng vì nó không đếm xỉa gì đến lợi ích của người khác. 
Và cuối cùng, nó tàn nhẫn vì bóc lột không thương tiếc những nhóm người yếu thế và đông đảo.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM hiện cũng đang theo đuổi một bản thỉnh cầu thống thiết lên Chính phủ có lẽ cũng không khác gì những người bán nến năm xưa đã làm ở Paris.

Có lẽ thừa thắng từ hiệu quả của đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm mà trang lacai.org nhận xét là thời Pháp thuộc không có, bộ GTVT nhấn thêm một bước cho ra đời Nghị định phạt xe không chính chủ, mà vị chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô ngậm ngùi than thở là ép dân.
Nghĩ qua nghĩ lại, thấy có bài thơ này của Vũ Trung Hiếu có lẽ phù hợp tâm trạng hơn cả, chép ra đây để mà đỡ nghĩ quẩn vậy

Nghĩ quẩn


Ở một đất nước người dân không buồn lên tiếng
Thậm chí nhiều người không thèm đọc báo nghe đài
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Ở một đất nước mà sách giáo khoa được cải cách hàng năm
Bệnh nhân lũ lượt nằm dưới gầm giường
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Ở một đất nước mà sự thật được rỉ tai nhau ngoài quán cà phê
Sự giả tạo, tệ bè phái, chứng cơ hội ngập ngụa phát tán trong hội trường, công sở
Không hề là chuyện đùa
Hẳn phải có lý do …

Hãy thử nhìn quanh, chơi trò tự vấn
Tiền thuế được dùng vào những việc gì ?
Ai biết lắng nghe những lời thẳng thắn ?
Chất xám từ đâu và chảy đi đâu ?
Kỷ cương, pháp luật có còn đủ mạnh ?
Một khi xã hội khủng hoảng niềm tin
Con người sẽ lấy gì làm lẽ sống ?

Đất nước nào cũng cần một tương lai
Cũng cần phát triển, hoà bình, no ấm
Cũng cần hoà cùng thế giới văn minh
Lũ trẻ cần lớn lên trong hy vọng…


2 nhận xét: