Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Hồn dân tộc


Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
                       (Trích Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm)

Có ý kiến của một bác nào đấy cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa này, giả sử bản sắc Việt Nam có bị hội nhập hết thì có 2 thứ không bao giờ đánh mất, đó là áo dài và nước mắm. Bác ấy hoàn toàn có lý. Lại có bài báo viết về kỹ thuật gói bánh chưng của người Việt, bài ấy nói trong cách gói bánh ấy, nó chứa đựng cả một trời nhân sinh quan sâu sắc của ông bà ta. Đó là cách buộc dây bánh và gói. Từng động tác được tính toán một cách cặn kẽ và thực hiện chính xác trong một tâm thức hoàn toàn thanh thản mới cho ra đời được một chiếc bánh ngon và đẹp. Bài báo này cũng rất đúng.
Cảm hứng từ 2 ý kiến trên khiến mình nhớ đến 2 ấn tượng mà mình đánh giá cũng thuộc hàng bản sắc đỉnh, không thể hội nhập. Đó là chiếc đàn bầu và kỹ thuật làm bánh tráng. Cả hai món này đích thân mình đã trải nghiệm và mang lại những cảm hứng tuyệt vời trong suy nghĩ về cái gọi là văn hóa dân tộc.

Bánh cuốn, là thứ bột lỏng, được múc một gáo trải lên một mặt vải đã căng trên một nồi hơi nước nóng. Sau khi cán mỏng bột thì đậy nắp lại chờ cho chín. Bánh chín xong, lấy một cây như là đũa bếp dích lên và trải lên một cái mâm hay cái sề. Ăn liền thì có món bánh cuốn và đem phơi khô sẽ ra món bánh tráng. Ai ăn quen cũng thấy nó thật là đơn giản. Nhưng kĩ thuật này chứa đầy triết lý. Có 2 động tác quan trọng cho sự thành công của chiếc bánh là cán bánh đều trên mặt vải và trải bánh thẳng trên sề. Việc cán bánh quan trọng bởi nó phải nhanh tay để không có chỗ chín trước chỗ chín sau và dùng gáo trải đều cho bánh phẳng đều. Động tác quan trọng cuối cùng quyết định thành bại chính là khâu trải bánh. Sau khi từ tốn quấn bánh vào đũa bếp, người thợ bằng một thao tác dứt khoát nhưng mềm mại hất chiếc bánh mềm oặt kia sao cho xòe tròn trên sề là thành công. Tất cả bọn người ngoại đạo thử làm việc ấy (có mình) đều hoàn toàn thất bại trong một động tác như vậy. Mình ngộ rằng, khi thực hiện kỹ thuật ấy, người thợ phải hoàn toàn vắng bóng cái tôi đi, bởi chỉ cần một chút tạp niệm lóe lên như là sợ hãi như là hy vọng thì đều thất bại. Bởi vậy, cụ bà làm bánh tráng hôm mình gặp ở làng du lịch Cái Bè đã có một thần thái rất đáng ngưỡng mộ, thần thái của người thường xuyên đào luyện tâm, tâm vô trụ.
Còn chiếc đàn bầu, nó thực sự là thứ nếu ai không tự hào thì đích thị không phải người Việt Nam. Tương tự như gói bánh chưng hay làm bánh tráng, triết lý mà nó mang lại cũng cực kì sâu sắc. Những ai đã từng đánh đàn đều thấy khảy sợi dây đàn của bất cứ đàn nào cho nó kêu thành tiếng là điều hết sức đơn giản. Nhưng đàn bầu thì không. Khảy được đàn bầu, bạn phải hết sức tì nhẹ nhàng một ngón tay vào sợi dây, để 2 ngón kẹp phím còn lại khảy dứt khoát vào sợi đàn, âm thanh mới phát ra. Nhưng đó chỉ là âm thanh đơn giản. Cây đàn bầu tuy dài nhưng chỉ ra nốt trong một phần tư chiều dài của nó. Trong khoảng chiều dài ấy, chỉ có bốn nốt ở bốn điểm khác nhau, giữa các nốt ấy, bạn phải căng hay chùng dây bằng cần đàn để đánh những nốt còn lại. Đó lại thêm một điều đáng nói. Bàn tay trái gạt cần đàn cũng phải hết sức nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để âm thanh thoát ra mềm mại, đúng tông. Rõ ràng, với một cái tâm thô lỗ đầy tham lam mong cầu tạp niệm, người ta khó lòng mà đánh được những thanh âm mê hoặc từ chiếc đàn. Trong một buổi sáng đẹp trời ở công viên Dinh độc lập, mình đã ngẩn người trước một người trẻ tuổi nhưng đánh đàn bầu một cách hết sức tự tin và điêu luyện.
Thiền tông khi đã du nhập vào Nhật Bản, có xuất hiện một số hình thức như Thiền trong võ đạo, Thiền trong trà, Thiền bắn cung... Thiết nghĩ, với những đặc trưng đầy chất thiền như những món mình trình bày ở trên, các đại sư Việt Nam hoàn toàn có thể sáng tạo ra những kỹ thuật thiền đầy bản sắc như: Thiền trong nghệ thuật gói bánh chưng; Thiền trong kỹ thuật làm bánh tráng; Thiền trong kỹ thuật đánh đàn bầu.

Khi ấy, không chừng Việt Nam lại xuất hiện vô số Thiền sư ngang tầm Huệ Năng, Lâm Tế cũng nên.

2 nhận xét:

  1. cụ Hoàng Cầm mà thấy hậu thế gõ sai chữ đứa con tinh thần của cụ chắc cũng phải đội mồ sống dậy để dạy bảo bác quá "Tranh Đông Hô gà lợn nét tươi trong"

    Trả lờiXóa
  2. Lỗi chính tả tí thôi mà, sao mà xử nặng thế. Em còn nhớ được thơ bác ấy là tốt hơn khối thằng rồi

    Trả lờiXóa