Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Chuyện giáo dục


Nhân mấy ngày qua có công việc đi vài tỉnh miền Tây, ngang qua nhiều huyện xã, thị trấn mình thấy nhiều trường tiểu học trung học ven đường. Điểm chung của tất cả các trường làng này là, dù lớn dù nhỏ đều có kẻ dòng chữ thật lớn, ở vị trí trang trọng nhất của trường, dòng chữ: Tiên học lễ, hậu học văn. Như vậy có thể hiểu câu ấy nó như là kim chỉ nam cho mọi hành động của giáo dục, giá trị cốt lõi của việc giáo dục con người là lấy lễ làm đầu. 
"Lễ" theo ngu ý của kẻ viết bài, hiểu rằng là cách ứng xử của con người trong xã hội với nhau. Và phép lịch sự, xã giao cũng năm trong chữ "lễ" ấy. Xã hội sẽ văn minh biết bao khi con người đối đãi nhau khoan hòa,  độ lượng. Ngày Tết, dịp lễ lạt, diện bộ cánh trang trọng, tặng nhau món quà nhỏ cùng vài lời chúc thân tình, thật là ấm áp. Chữ lễ trong đời sống mà được nguyên vẹn giá trị của nó thật là đáng quý. Thế nhưng, đặt nó làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đưa lên thành giá trị cốt lõi để giáo dục cho mọi thế thệ của cả dân tộc thì mình thấy có chút băn khoăn.
Ngay từ cái câu không thuần Việt này đem ra dạy dỗ đám con nít chập chững biết đọc biết viết, để rồi phải lằng ngoằng giải thích "tiên trước hậu sau" mình đã thấy không ổn rồi. Tiếp theo, về nguồn gốc, mặc dù nhiều tài liệu cho thấy không phải của Khổng Tử mà của dân gian Việt đúc kết, nhưng chữ "lễ" thì mình đồ rằng nó thuộc nhóm ngũ thường của ông tổ đạo Nho này rồi. Mà ông tổ này cũng xếp nó hàng thứ ba sau Nhân và Nghĩa, nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó lại đội lên như một thứ tôn giáo. Điểm mấu chốt là chỗ này, Khổng Tử vang danh thiên hạ bởi tư tưởng uyên bác của mình cũng đặt chữ Nhân làm trọng tâm hành động, hay nói cách khác là mọi hoạt động đều nghĩ về con người trước tiên. Ông bà ta vận dụng đạo Nho thế nào, lại hướng mọi hoạt động đều nghĩ về vỏ bọc hành động trước tiên, chữ Lễ. 
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà có lẽ căn bệnh thành tích của ngành giáo dục nặng đến mức ngài bộ trưởng phải ra một quyết định tương đối kì cục: năm sau không được có thành tích cao hơn năm trước.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta kiếm được hàng núi tiền rồi thì làm đám cưới siêu khủng cho đám con què quặt vô tích sự náo động cả một làng nghèo khó hay mua cái giường ngủ 4 tỉ đồng cạnh tranh kiểu Thạch Sùng với trọc phú Tàu.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta sẵn sàng vượt vạn dặm đường xa thăm nom đưa viếng người bệnh người chết là thân nhân của sếp mình nhưng ngại vài mươi cây số về thăm hỏi sức khỏe cha mẹ ở quê.
Chính vì chạy theo chữ lễ này, mà người ta chi tiền không cần suy nghĩ quà cáp loại độc cho cấp trên vào dịp lễ Tết nhưng lại cân đong đo đếm món quà sinh nhật nhỏ nhoi cho đứa con bé bỏng.
Vì vậy, kẻ viết bài này mạo muội đồng ý với ngài Khổng Tử, rằng việc học làm người phải là giá trị cốt lõi của giáo dục. Làm người để sống như một con người, để biết sợ hãi, để biết yêu thương, để biết chia sẻ. Và cuối cùng để sống như ông tổ ngành ghép tạng, bác sĩ Joseph E. Murray và Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương:

"Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét