Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ngày đầu tiên đi học



Mấy nay sắm sửa đồ đạc cho con chuẩn bị vào ngưỡng đầu tiên của chương trình giáo dục nước nhà. Nhìn nó xúng xính trong bộ đồng phục, tôi cũng nhớ về những ngày đầu tiên ngồi trong lớp 1/5 ở trường tiểu học Trưng Vương của mình. Nếu kí ức về lớp mẫu giáo mầm non là những mẩu vụn khá rời rạc thì quãng đời tiểu học vẫn còn đọng trong tôi nhiều hình ảnh khá rõ ràng. Những nhà nghiên cứu giáo dục đánh giá đây là giai đoạn cực nhạy cảm hình thành nhân cách của trẻ. Và hiện giờ, tôi hoàn toàn cảm nhận được chuyện đó. Nhưng tôi cho rằng không phải là hình thành nhân cách mà là giữ gìn nhân cách của trẻ. Hay nói cách khác, trẻ phải học cách giao tiếp với xã hội nhưng hạn chế tối đa việc làm mất đi căn tính chân thực hồn nhiên nguyên sơ mà Chúa ban tặng cho loài người. Bởi chính trẻ con mới là những người thầy đích thực dạy cho đám người lớn những khái niệm về trung thực, nhiệt thành, can đảm bằng chính cuộc sống của nó. Khi nhìn vào mắt trẻ thơ, tôi nhận ra nó chính là vị thầy vĩ đại đích thực dạy tôi những điều tốt đẹp trên thế giới này. Ở độ tuổi lên ba, con tôi đã cho tôi thấy sự triệt ngộ những giáo lý sâu xa nhà Phật chỉ qua những hành động đơn giản như khóc cười giận dỗi. Những giáo lý tôi đọc rải rác đâu đó về Tứ diệu đế (bốn sự thật), Bát chánh đạo (tám con đường đúng đắn), hiển lộ mồn một chỉ qua sự có mặt của nó. Có một câu chuyện trong Kinh thánh, khi một người mù đến với Chúa Jesus, các tông đồ hỏi Chúa: có phải vì y đã đắc tội với Chúa Trời? Jesus bảo: chẳng phải y phạm tội gì cả mà mù, chẳng qua là để phép màu của Chúa được thể hiện. Jesus nói xong, người mù liền sáng mắt. 

Cho đến tận 30 tuổi, tôi vẫn còn không biết tôi sẽ làm gì cho thế giới này ngoài chuyện đi làm lĩnh lương và thanh toán các khoản phí. Thế nhưng, từ khi con tôi ra đời, mẩu chuyện trong Kinh thánh đã làm tôi sáng rõ: tôi có mặt trên đời này là để đón nhận món quà tặng vô giá của Chúa. Và, trong mới giáo lý bòng bong nhà Phật, tôi thấy mình thật đồng cảm với sự thật thứ 3: Hạnh phúc là điều có thật (chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh). Theo thời gian con tôi lớn lên, sự kiên định và lì lợm đến khó ưa của nó đã dạy cho tôi thứ mà tôi đã đánh mất không biết từ lúc nào: Chánh kiến. Một CEO trong buổi họp đã nói: dẫu trước bất kì sự thay đổi nào, các bạn hãy cứ chỉ làm điều đúng. Câu ấy có vẻ đơn giản nhưng tôi biết nó không dễ thực hiện. Bởi thói quen thỏa hiệp để tồn tại đã khiến người ta chỉ suy nghĩ làm điều "đáng" chứ ít chịu suy nghĩ để làm điều "đúng". Và khi bị giằng co trong việc có phải làm điều đúng hay không, tôi lại trở về chơi với con tôi để được nó truyền cho thứ lửa chánh kiến vốn chỉ còn lại trong tôi thứ ánh sáng lập lòe.
Nên tôi đã gọi nó là "Nhà hiền triết đái bô".
Và hôm nay, nhà hiền triết đái bô, vị thầy vĩ đại của tôi, chập chững bước chân vào lớp một. 
Ở trường, tất nhiên, các thầy cô sẽ dạy nó cách đọc chữ cách làm toán cách lao động cách thương yêu. Nhưng Lạy Chúa, xin đừng bao giờ dạy nó cách bẻ gãy ý chí của người khác. Chuyện này đương nhiên không hề có trong giáo trình, nhưng nó sẽ nằm trong  chính cách truyền đạt kiến thức của những quý vị thầy cô và trong bản thân cuộc sống của các vị. Bởi thế, 

Khi con tôi vẽ một cái cây trên mây và tô mặt đất màu hồng, hãy đừng bắt nó tô lại đất màu nâu và kéo những cái cây xuống cắm vào đó.

Khi nó trả lời tổng ba góc trong của một tam giác là 181 độ thì hãy hỏi lại "còn có ý kiến nào khác không?" chứ đừng quát "Sai rồi, đồ con lợn".

Xin đừng dạy nó trả lời cho câu hỏi "học để làm gì" bằng những câu trả lời sáo rỗng và vớ vẩn như để làm hài lòng thầy cô, xứng đáng công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Hãy dạy nó học để làm hài lòng chính mình bằng vốn kiến thức bằng vốn kĩ năng, xa hơn là để tự gánh lấy trách nhiệm làm chủ cuộc đời của mình. Vì nếu không, theo Jack Welch, sẽ có người khác làm chuyện đó.

Làm ơn đừng quấn thêm lên cổ nó bất kì thứ quái quỷ gì nữa, bởi đồng phục hiện giờ đã rất đẹp. Ở xứ lạnh phía Bắc tận phương trời xa xôi nào đó thì các vị cứ thoải mái quấn thêm bất cứ thứ gì lên cổ nhưng ở cái miền Nam Việt Nam nắng gió này, nó chẳng hợp thể tạng bọn trẻ chút nào.

Trong các hoạt động như sống như học tập như lao động, nhất thiết xin đừng cho nó noi theo bất kì tấm gương nào, dù tốt đến mấy. Quý thầy cô hãy tìm một thứ gì trong chính con người nó để nuôi dưỡng và phát triển. Vì sự thật là Chúa chỉ có thể biến bất kì ước mơ nào của chính bạn thành hiện thực, chứ không thể biến bạn thành người khác. 

Xin đừng dạy nó yêu những thứ nó không hình dung nổi như tổ quốc như đồng bào, mà hãy cứ để nó tự nhiên yêu thương cha mẹ và dạy nó yêu những vật xung quanh tầm thường như con chó, lá cây. Vì với khả tính vô biên của tình yêu, nó sẽ yêu cả thế giới này chỉ từ việc yêu hòn đất dưới chân nó.

Nó sẽ phải được dạy về lễ phép và tôn trọng, tất nhiên. Thế nhưng không cần phải tôn trọng tất cả người lớn, thậm chí cũng chả phải lễ phép làm gì. Bởi sự lễ phép và tôn trọng chỉ đáng dành cho những ai sở hữu trí thức, và lẽ công bằng. Còn những gã đồi bại, dẫu có đang 70 tuổi thì vẫn cứ đồi bại như thường. Càng thận trọng hơn khi tiếp xúc các vị có quyền có chức, vì sẽ thật khó phân biệt được ranh giới giữa thân thiện và xu nịnh. Lại nữa, ngày nay, những giá trị mà đáng ra những người nắm quyền phải có như là minh bạch, công bằng thì đáng tiếc thay, nó là thứ xa xỉ trong đội ngũ những người nắm quyền lực. Càng đáng tiếc hơn, những vị quan trong ngành giáo dục cũng không ngoại lệ.

Trong cư xử, chắc chắn nó sẽ được dạy đức khiêm tốn. Đức tính này thì nói thật càng ngày tôi càng hồ nghi nó, bởi tôi thấy thật đúng cái câu nghe lờ mờ đâu đó: Khiêm tốn là một kiểu tự hào của kẻ thủ đoạn. Xét về bản chất tôi cảm giác nó không khác ngụy quân tử là mấy. Vì thế nếu được, xin hãy dạy nó trở thành người tự tin, chỉ cần ngời ngợi tự tin, người ta sẽ có thái độ ứng xử phù hợp nhất trong bất kì hoàn cảnh nào, mà không hề có chút giả tạo. Nó khác hẳn cái đám ngày đêm rêu rao đạo đức nhưng lòng đầy mưu sâu kế hiểm, ngoài mặt vỗ vai thân tình bằng hữu, nhưng lòng luôn chực chờ cơ hội nhấn bạn xuống vũng bùn.

Tôi nhớ những năm học lớp 7, có một gã thầy dạy văn đã biến tôi từ một đứa thường xuyên nhận điểm 4 môn này ngay lập tức nhân đôi điểm số chỉ sau một ngày ghi danh vào lớp dạy thêm của gã. Lên lớp 8, trường hợp lặp lại y vậy với một cô giáo dạy tiếng Anh. Tôi không hề có ý kiến về việc dạy thêm, nhưng dùng thủ đoạn đê tiện trong môi trường giáo dục đối với một lứa tuổi hết sức hồn nhiên trong vai trò người dẫn dắt thì điều đó thật đồi bại. Đó không phải là thầy, đó là những gã bất lương hành nghề làm băng hoại xã hội. Và nếu phát hiện một gã như thế đang gọi là dạy dỗ con tôi, dù không giàu nhưng dứt khoát tôi đủ tiền để ném vào mặt gã hàng tháng thay cho tiền học thêm để con tôi không phải nghe bất cứ thứ gì từ cái xác thối nặng mùi đó.Vì thế, khi nói về chính trực và dũng cảm, nếu các vị thầy cô chưa sống được với những điều đó thì tốt nhất không nên phá đi cái sự chính trực dũng cảm đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ rồi.


Các thầy cô chắc cũng sẽ nói với nó đoàn kết là sức mạnh. Điều này rất đúng, nhưng cũng đừng quên cho nó biết rằng, hầu hết các quyết định làm thay đổi thế giới đều xuất phát từ một cá nhân.

Trong các bài học đạo đức, chắc chắn nó sẽ được dạy thương người và tương trợ, học cách làm từ thiện, công tác xã hội. Khi làm điều ấy, các thầy cô hãy dạy cách cho đi. Cho đi để giúp người khác chỉ là phụ, nhưng giúp cho tâm hồn của chính mình mới là cốt yếu. Hãy dạy nó cách cho đơn giản như ông tổ ngành ghép tạng, bác sĩ Joseph E. Murray và Donnall E. Thomas cha đẻ của ghép tuỷ xương đã dạy: "Cống hiến cho xã hội là món nợ chúng ta trả cho việc được sống trên trái đất này” (nguồn SGTT, nay đã khuất).

Đừng cho rằng đối xử tốt với bản thân mình trước là tội lỗi, bởi ta chỉ làm người khác tốt hơn khi bản thân ta là thành thạo kĩ năng đó. Những tai nạn thương tâm các học sinh chết khi cứu bạn đuối nước chính là sự thiếu trí tuệ trong từ bi. Không cần làm người tốt, chỉ cần người dám nhận trách nhiệm, chí ít với tội lỗi của chính mình, thế là đủ tốt hơn hàng ngàn quan chức. Đơn giản, thậm chí chỉ cần không gây hại, bạn cũng thuộc nhóm hàng tỉ người có ích rồi. Nói như thiền sư Nhất Hạnh, chỉ cần cây tùng sống được giữa mùa đông, nó cũng đã cứu rỗi được biết bao nhiêu tinh thần suy sụp.

Cái xấu cái ác là đáng bị lên án, nhưng điều thiện điều tốt cũng đừng nhân đó làm làm chuyện ti tiện hơn vạn lần chỉ vì nhân danh loại trừ cái ác. Nỗ lực giết một con quỷ, không khéo ta đã biến thành một con quỷ dữ tợn hơn gấp nhiều lần. Tôi thật sự buồn nôn với cái kết của câu chuyện cổ tích kinh điển của dân gian Việt Nam, truyện Tấm Cám. Nếu nó vẫn còn trong sách giáo khoa, ai đó làm ơn đừng kể đoạn kết man rợ đó.

Rồi nó sẽ phải vượt qua các kì thi này nọ, hay theo cách khác hơn, là phải vượt qua các mục tiêu lần lượt trong đời. Khi ấy, các thầy cô hãy dạy nó cách đạt mục tiêu bằng cách lường hết được cái giá phải trả đến đâu, chứ không phải đạt được bằng mọi giá hay không từ thủ đoạn nào. Hoặc giả, hãy chỉ nó nhiều con đường đi đến mục tiêu, chứ không chỉ có một con đường duy nhất. Đơn giản, hãy chỉ nó phân biệt phương tiện và cứu cánh.


Cuối cùng, những phát minh kỹ thuật hiện đại, những thành tựu khoa học tối tân đúng là quan trọng, nhưng đừng vì thế mà giết chết những bà tiên những ông bụt những ông già Noel trong thế giới của con tôi. Bởi phép màu vẫn đang diễn ra hàng ngày trên khắp trái đất này. Và bản thân việc mỗi ngày nó đến lớp ngồi ngồi nghe cô giảng cũng đã là phép màu. Không phải mọi chuyện đều cần có lý do.
Chỉ có một lý do duy nhất đúng.

Đó là ý Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét