Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Cà phê và vé số


Chắc ai ai ngồi quán cà phê cũng quen thuộc với hình ảnh những người vé số đến mời mua. Những người bán này thành phần thông thường là cụ già, em bé, người khiếm thị, người ngồi xe lăn. Còn có thêm phụ nữ tay xách nách mang đàn con nheo nhóc, đôi khi có đứa chừng mới ra tháng ngủ ngầy ngật trên tay, trông rất thiểu não. Nhìn chung thì người bán có thể là bản thân vậy, có thể là có chủ ý, tạo nên một hình ảnh đánh động vào sự thương cảm khách hàng càng mạnh càng tốt, càng dễ bán được hàng. 
Mình là khách hàng thường xuyên của các quán cà phê. Vì thế, cái sự từ chối mời mọc vé số này có thể nói là trải nghiệm hàng ngày. Và mình cảm nhận rằng, những năm gần đây, số lượng người bán vé số có vẻ tăng vọt, thể hiện qua mỗi cuộc cà phê thì cái cổ mình cũng mỏi nhừ do lắc đầu. Thế là mình bắt đầu nghĩ về vé số.
Vé số, gọi đầy đủ là Xổ số kiến thiết, là một hình thức kinh doanh sự may mắn do Nhà nước tổ chức, với mục tiêu cao đẹp như tên của nó là để kiến thiết nước nhà. Và rõ ràng lợi ích nó mang lại là sờ nắn thấy được. Như mình đã từng rất thán phục một cây cầu rất to ở thị xã mình do Công ty xổ số kiến thiết tỉnh nhà xây tặng. Hay như về quê, cũng hay gặp nhiều công trình phúc lợi ghi là của xổ số kiến thiết tỉnh XYZ nào đấy. Lợi ích nữa là nó giải quyết nạn thất nghiệp, bất cứ ai không còn hay không có khả năng lao động ở bất kì ngành nghề nào khác, đều có thể bán vé số. Những lợi ích không thể chối cãi đó đã khiến những người đứng đầu chính quyền an lòng với chuyện an sinh xã hội. Nhưng mình thì lại bất an.
Chuyện bất an đầu tiên là mình nhìn thấy rất nhiều, đoán là hơn phân nửa, số người bán vé số là trẻ em, lại hơn phân nửa số ấy là trẻ em dưới 10 tuổi, cái tuổi của sự ăn ngủ học hành chơi đùa kết bạn. Thế nhưng, chúng đã lao ra đường. Và những rủi ro rình rập chúng thì không sao kể xiết, có khi chúng phải trả giá bằng cả phần đời phía trước.Tương tự như vậy với những người già, người tàn tật. Thành phần này lý ra cũng phải được nghỉ dưỡng hay làm công việc nhẹ nhàng phù hợp, thì lại bôn ba nặng nhọc để đến giây phút sức cùng lực kiệt hay đoạn tuyệt niềm tin thì bỏ xác lại bên vệ đường. Nguy hiểm hơn, ngày nay có một số bọn mất dạy vô luân lại cứ nhè những con người khốn khổ này mà thẳng tay cướp giật. Thế là lại nhao nhao nguyền rủa, kêu gọi giúp đỡ được một hai kì báo rồi đâu đấy lại chìm vào quên lãng.
Chuyện bất an thứ hai là, cái đám mất dạy vô luân ban nãy, một số bọn chúng thủ đoạn hơn thì đánh thuốc ngủ trẻ con, lê lết giả đui mù què hủi cố gắng tạo một hình ảnh thê thảm nhất có thể nhằm gây sốc lòng thương hại của mọi người. Thế nhưng, báo chí phát giác. Và thế là những cảnh đời nghiệt ngã thật sự cũng đón lấy ánh mắt nghi ngại dè bỉu bởi lòng nhân đã bị chà đạp bởi thủ đoạn của bọn vô luân.
Chuyện bất an thứ ba là sự hoang phí sức dân một cách không cần thiết, đặc biệt là thời buổi cơm áo gạo muối trở nên đắt đỏ cùng hàng trăm thứ phí đội lên đầu người dân này. Có thấy cái đội ngũ khổng lồ mỗi chiều chiều hành cái nghề là chặt vé số mới thấy sự hoang phí khủng khiếp cho công việc vô nghĩa này. Hàng chục tấn giấy cùng hàng trăm công lao động làm cái việc vô bổ khủng khiếp. Một lượng lớn tiền của người dân đổ vào để nuôi cái bộ máy không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội này. Rõ ràng, trước những cảnh đời rất thê thảm cứ kêu nài ta giúp cho 1 tờ vé số, ta  chậc lưỡi bỏ ra 10 ngàn để giúp đỡ. Số tiền không lớn nhưng là một suất trưa của người công nhân. Mười ngàn ấy, người bán lãi 1 ngàn, trừ 1 ngàn chi phí, số còn lại chạy lòng vòng vào túi cái bộ máy khổng lồ tiêu hoang kia. Như vậy, vô tình những người có trách nhiệm tạo ra chính sách an sinh xã hội đã đá quả bóng trách nhiệm về phía người dân, bắt người dân gánh lấy cái trách nhiệm tạo thu nhập cho thành phần đáng ra phải được hưởng sự trợ cấp thiết thực từ Nhà nước. Nhưng lòng tốt của người dân đã và đang bị lợi dụng quá nhiều đến thô bạo, nên đã trở nên vô cảm như một cách tự nhiên bảo vệ chính mình. Vì thế, những thân phận cơ hàn lại bị dấn sâu hơn một bước vào cái đáy khốn cùng của xã hội.

Như vậy, giải pháp căn cơ cho thành phần bán vé số dạo này, cũng là trả cho lại bộ mặt khang trang cho xã hội cũng như không chà đạp thô bạo lòng nhân ái, có lẽ cần có một ý tưởng đối xử thật sòng phẳng với họ. Không thương cảm. Không cưu mang. Chúng ta vốn có thế mạnh hàng thủ công mỹ nghệ bởi bản tính cần cù khéo léo. Thế thì hãy biến thế mạnh ấy thành một định hướng kinh tế với lực lượng lao động nòng cốt là thành phần bán vé số dạo này. Nếu hỗ trợ, có chăng là cơ sở vật chất ban đầu, đào tạo kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Chỉ cần một người có trách nhiệm nghĩ và muốn làm như vậy thôi, cũng đủ huy động nguồn vốn của cả xã hội để thực hiện một dự án đầy nhân văn như vậy rồi.

Kẻ viết bài cầu nguyện sao cho một nhà lãnh đạo như vậy bỗng xuất hiện ngay sau bài viết này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét