Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Thói quen


Một lý thuyết nghiên cứu nào đó đã chỉ ra rằng thói quen con người hình thành sau một hành động được lặp lại hàng ngày ít nhất cho đến khi 21 ngày. 
Nhân gần đây có một số hiện tượng như là những văn bản dự thảo luật đọc qua thấy rất ngớ ngẩn, được cộng đồng mạng ném đá hả hê, chắc cũng không cần nhắc lại. Lại thêm các trang báo giấy báo mạng liên tục giật tít câu khách với những tin bài có liên quan đến hoa hậu bán dâm hay là giết người man rợ. Lại thêm cảnh báo mối nguy thực phẩm nhiễm độc mà không có một giải pháp nào kèm theo. Lại thêm tai nạn giao thông thảm khốc. Lại thêm y đức xuống cấp. Lại thêm văn hóa giáo dục suy đồi. Lại thêm phong bì, bôi trơn, vô cảm. Lại thêm ngư dân bị cướp trắng tay. Lại công hàm, lại phản đối. Và, lại thêm bắt bớ với tội danh mình thật sự không hiểu đó là tội gì. Cứ thế, cứ thế, hàng ngày ta gần như ngập ngụa những tin thuộc loại vậy mà không có một tin tức tốt lành nào. Người có chút ít suy nghĩ thì buồn, kẻ ăn không ngồi rồi thì hóng chuyện. Thế rồi ngày nọ mình phát hiện rằng mình đã có thói quen hời hợt với tất thẩy, chỉ xem mọi loại tin tức như một thứ trang trí thêm cho cuộc sống thường nhật. Để cắm cúi xuống chén cơm của mình.
Mình không biết thói quen đó là tốt hay xấu, hay đơn giản chỉ là việc thích nghi để tồn tại. Nếu cách đây 10 năm, khi trông thấy một kẻ thò tay kéo ví một đôi tình nhân ở công viên, mình đã không ngần ngại la toáng lên và sẵn sàng cho một trận đánh nhau. Thế nhưng, bây giờ, mình chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ làm lại việc đó được nữa. Bởi mình hiểu rằng lực lượng bảo vệ người dân không hề sẵn sàng cho nhiệm vụ của họ. Kẻ thủ ác cũng hiểu vậy. Cuộc chiến, nếu bắt buộc phải xảy ra, chỉ là cho chính mình. Nỗi đau của cả xã hội là chỗ này. Điều này tệ hơn loài thú. Đàn sơn dương chỉ cần đi chung với nhau, không một con sói hay sư tử nào dám bén mảng tới. Nhưng con người ở VN trong thời điểm này, chẳng những không liên kết được như sơn dương mà còn luôn nghi kị cạnh khóe nhau, chẳng những phải đối mặt với tội phạm hung hãn hơn hổ báo mà còn chịu sự ăn thịt hàng ngày của những kẻ vô hình mang tên nhóm lợi ích. 
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là hàng ngày ăn những món ăn cao lương mỹ vị đến thừa mứa đổ đi mà không màng đến hàng triệu công nhân với suất ăn có giá thua tờ vé số và phải đối mặt với nạn ngộ độc thực phẩm hầu như mỗi ngày. 
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là bỏ ra hàng núi tiền để con cái học vào học một cái trường mà cha mẹ chúng cho là tốt mà không màng đến hàng triệu đứa trẻ lăn lộn nắng mưa mỗi ngày nhưng cái ăn no mặc ấm cũng chỉ là thứ hết sức xa xỉ.
Thói quen đó tạo nên những nhân cách như là người ta rải tiền từ y tá điều dưỡng đến bác sĩ để không phải chờ đợi tới phiên mình được điều trị mà không màng đến những cụ già lặn lội từ một miệt thứ nào đó đã chầu chức từ từ rạng sáng đến mãi tận trưa.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là người ta ngật ngưỡng trên một con siêu xe sáng loáng cặp kè người mẫu với chân dài mà không màng đến gánh hàng rong bánh đa của một người phụ nữ đã ướt mem vì nước văng tung tóe bởi chiếc xe hoành tráng kia chạy tốc độ vô tội vạ trong một con đường nhỏ.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là người ta hồn nhiên quăng bịch nước mía uống dở xuống đường trước mặt con trẻ và không giấu vẻ miệt thị người quét đường mà không màng trước đó mới vừa huyên thuyên dạy con về tính kỷ luật và lòng nhân ái.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là khi đọc thấy một tin người tốt giúp người nào đó rồi chẳng may tử nạn thì buông lời nhận xét: đồ hâm.
Thói quen đó tạo nên một nhân cách như là sau khi đọc tin về một đồng bào nào đó gặp thảm cảnh, ta lạnh lùng quay sang hỏi vợ: Buổi trưa hôm nay có gì?

Có câu: Gieo tính cách gặt số phận. Với những tính cách được hình thành do thói quen như vậy, chừng nào mà những thói quen của mỗi người còn chưa thay đổi, chắc không khó để mường tượng đến viễn cảnh số phận của đám đông này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét