Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Bẫy cảm xúc


Hôm nay có một friend share lại bài "Tôi sẽ ngừng than vãn" của diễn giả Trần Đăng Khoa. Bài viết thuộc dạng cửa sổ tâm hồn dễ đọc dễ hiểu dễ cảm và đương nhiên dễ share.
Xin trích lại một số nội dung rất dễ đồng cảm ấy:
"Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có một mái nhà để che và một nơi nghỉ qua đêm là bạn đã giàu hơn 75% thế giới này.
Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy khoẻ hơn hôm qua thì bạn đã may mắn hơn 1 triệu người không thể sống qua nổi tuần này.
Nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn 2 tỉ người trên thế giới chẳng bao giờ đọc được thứ gì cả."
Nếu trong kinh tế có thuật ngữ "Bẫy thu nhập trung bình" để chỉ tình trạng trì trệ của một kinh tế khi đạt đến ngưỡng no cơm ấm cật thì thông điệp truyền đạt của bài viết trên mình tạm gọi là "Bẫy cảm xúc", để đặt tên cho một hiện tượng thoạt nghĩ nó bình thường tốt đẹp nhưng giấu trong đó là tư duy hết sức tàn nhẫn. Cách nay gần 20 năm, ở một độ tuổi được cho là chưa trưởng thành, một thằng bạn nhí nhố đã phát hiện điều tàn nhẫn trong cách nhìn nhận vấn đề kiểu thông điệp trên. Kết luận nhố nhăng của thằng Thế Anh ở thời mộng mơ áo tím đã ám ảnh mình đến tận bây giờ: Khổ cách mấy mà miễn còn có một thằng khổ hơn thì cũng không sao.
Thật vậy, xem tất cả các chương trình phỏng vấn trẻ em nghèo học giỏi, người tàn tật vươn lên, người già neo đơn khi được nhận tài trợ, ai nấy đều mặt mày rưng rưng nghẹn ngào trình bày lý do vượt khó: Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghĩ còn nhiều cảnh đời éo le hơn em nữa nên em đã nỗ lực phấn đấu. Bẫy cảm xúc trong lối nghĩ này chính là tư duy phải đạp được một thằng nào đó tệ như mình thì mình mới mong hơn nó được. Sự tàn nhẫn ở chỗ nó lấy sự tuyệt vọng của người khác làm hy vọng của chính mình. Bồ tát Thường Bất Khinh vì thế mà trở nên vĩ đại: Ta không vào địa ngục thì ai vào.
Mọi nỗ lực luôn luôn đáng được trân trọng. Mọi thành quả của ý chí càng đáng được tôn vinh. Thế nhưng nền tảng suy nghĩ cho mọi quyết tâm có lẽ cần được xem xét ở nhiều góc. Giả sử thay cho câu xác định ta được thế này đã hơn khối kẻ bằng một câu hỏi làm thế nào để khối kẻ cũng được như ta thì thế giới sẽ còn năng động hơn rất nhiều.
Xin mượn một giai thoại thiền thay cho lời kết. Có một thiền sư ngồi thiền, chốc chốc, người ta thấy ông tự gõ đầu mình cái cốc, đồng thời nghe được thần chú ông đọc: Cẩn thận, kẻo bị người lừa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét