Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Lượm lại status từ một nick đã khóa

Ngày 11/4/2014 ( Cứu vé số):


Tối nọ hai cha con đứng xớ rớ hóng mát ngoài công viên, một chú bé vẻ mặt đáng thương mắt rơm rớm lại mời vé số. Mình lắc đầu kiên quyết không mua vì biết tỏng kỹ thuật mau nước mắt của ông con này rồi. Thế nhưng chưa kịp hả hê vì không bị ăn quả lừa của chú bé, mình giật mình vì bé con nãy giờ đang quan sát chăm chú mình chợt hỏi: Này, sao cha không mua vé số cho anh đi, ảnh sắp khóc rồi kìa.
Ấy chà, thế này thì lợi bất cập hại rồi. Làm sao để nói trơn tru với một thiên thần về những lọc lừa thủ đoạn cũng đang khoác một bộ mặt rất thiên thần khác? Xem ra ăn thua đủ với một đứa trẻ thì không bao giờ là đúng.
Nhớ lại Tết vừa rồi, mình và một anh bạn quan chức làng nhàng cãi nhau chí tử về một cái chợ đêm chồm hổm mọc lên quét sạch chợ hoa truyền thống của thị trấn quê nhà. Ảnh bảo mày chả hiểu đếch gì xã hội, chợ này tạo biết bao công ăn việc làm cho người lao động. Cư dân thành phố có địa điểm tham quan, bộ mặt đô thị cũng khang trang nhộn nhịp. Mình gật đầu ừ tất, nhưng mà thắc mắc vậy chứ hàng hóa của mấy anh chị bán đó nhập rẻ từ TQ với chất lượng không ai kiểm duyệt nhiễm đầy hóa chất phân phối khắp cộng đồng thì sao nhỉ?
Cũng vậy với vé số. Vé số có thể tạo thu nhập cho tất cả các thành phần xã hội và chính quyền có thể yên tâm về khả năng đảm bảo dân sinh với loại nghề nghiệp dễ dãi này. Thế nhưng đánh đổi những mất mát cho cái lợi từ vé số thì không hề nhỏ. Đó là đẩy cả một lực lượng trẻ em người già người tàn tật vốn dễ tổn thương nhất ra đương đầu với những mối nguy khó bảo vệ nhất của xã hội. Và cái mất lớn hơn tất cả ngoài cái mất một thế hệ trẻ lớn lên vô học là cái mất trái tim rung cảm của toàn xã hội trước nỗi đau đồng loại.
Mất một nghề nghiệp tạo thu nhập cho lực lượng lao động dễ tổn thương thì còn có thể tạo ra loại nghề nghiệp mang lại thu nhập khác, nhưng đánh mất trái tim của trẻ con thì mất cả nền văn hóa.

Ngày 20/3/2014 (Cứu xe buýt)


Hôm nọ coi tivi buổi trưa thấy có phóng sự về xe buýt Tp.HCM, đại khái là chỉ toàn đăng những người trả lời phỏng vấn xe buýt chạy ẩu, không an toàn, chèn ép xe máy xô đẩy hành khách. Nói chung theo thuật ngữ thời thượng là dìm hàng xe buýt, nhân vài vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến xe này. Phóng sự sau đó như thường lệ là phân tích nguyên nhân. Rồi cũng như thường lệ, sau khi kể ra nhất nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân được gán cho hàng đầu là "ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông quá kém". Giải pháp tương ứng là các biện pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông các thể loại. Hết phóng sự.
Phù. Có đoạn giới thiệu dài dòng về phóng sự này như vậy để có ý thế này. Rằng mình đã không ít lần đứng chen chúc chật chội trên những chiếc xe buýt bị phàn nàn đó. Đánh giá chung là những bất cập như phóng sự trên liệt kê ra thì xe buýt có hết. Nhưng cảm giác về những chuyện đó thì hoàn toàn chỉ là thông cảm, không có chút oán thán nào. Chỉ cần những ai đã một lần ngồi sau tay lái mà chứng kiến được cảnh tài xế xe buýt phải chịu đựng thì chỉ một từ duy nhất là "bái phục". Bất cứ chỗ nào trống trên đường đều được trám chỗ ngay bởi xe máy, kể cả khi nó chỉ còn cách đầu xe buýt 2 xen ti mét. Các bác tài ngoài việc liên tục chịu cảnh đâm ngang xẹt dọc vô tội vạ của xe máy còn phải thường xuyên tấp vô lề rước khách và lái trở lại làn đường của mình trong tình trạng xe máy nêm đầy xung quanh.
Trong hoàn cảnh như thế, rõ ràng gán các bác tài xe buýt vào tội "ý thức kém" thì e rằng hơi nặng tay.

Nhân tiện cũng xin thưa rằng "ý thức kém trong tham gia giao thông" có xuất hiện ở xe biển trắng (dân) thì cũng ở một tỉ lệ nhất định, dẫu là có cao. Nhưng ở xe biển màu (quan) thì cái tỉ lệ xe chạy với "ý thức tốt" dường như là số 0 tròn trĩnh. Đối mặt với những chiếc xe biển trắng tội chạy vượt tốc (dù biển báo tốc độ phi lý chiếm tỉ lệ không nhỏ), vượt phải, lấn làn, là một mức phạt đủ làm chùn tay tài xế. Nhưng cũng những tội ấy với một chiếc xe biển màu thì đa phần các ánh mắt áo vàng đều tảng lơ. Nghe giang hồ đồn đại, một chiếc biển xanh có số gì đó được cho là ở bộ, cái biển nó đắt gấp đôi cái xác xe là 1 con Lexus GX470.
Kể lại kinh nghiệm này chắc cũng thường với cánh tài xê biển trắng. Hôm nọ, một chiếc biển đỏ chạy ở đường ngoài đô thị với tốc độ quy định trong đường đô thị. Kẻ viết bài phải xin đường một đoạn với thời gian bằng chiều dài một điếu thuốc của chú bộ đội lái xe đang hút. Có lẽ, nhờ sự sảng khoái của điếu thuốc mang lại, anh mới từ tốn nhan đèn nhường đường cho kẻ sau chạy đúng tốc độ cho phép.
Ơn Chúa, chừng nào mà những chiếc bảng số xe còn phân biệt màu sắc thì chừng đó làm ơn đừng có đổ vấy lên đầu dân đen là thiếu ý thức. Như thế thì vì tội vừa ác lắm.

Ngày 27/02/2014 (Cứu điều dưỡng):

Hôm nay ngày thầy thuốc Việt Nam, một friend khều khều bảo viết gì đó đi mầy. Ngó tới ngó lui thấy ngành y bây giờ không biết khen chỗ nào mà chẳng lẽ lại chửi thì kì nên tịt mãi. Chợt nhớ trong vô số phát biểu rất nhân văn rất hợp pháp của dì Tiến, có đoạn nhắc bệnh nhân nhớ ghi camera làm bằng để chống nạn phong bì trong ngành y tế. Thế là nhớ ngay một tấm gương sáng ngời y đức, mà có điều không giống giáo khoa lắm.
Chuyện là hồi lúc ở với ông già trong một BV ở xì phố, có tay điều dưỡng nọ. Công việc của ảnh thì cũng như nghề điều dưỡng là chích thuốc thay băng vô nước biển, vân vân. Quen thói, mình cũng dấm dúi ảnh cái phong bì, ảnh vô tư nhận. Và ảnh chăm sóc ông già mình nhẹ nhàng cẩn thận thật, đúng y mong muốn gia đình. Mình thở phào, vậy là đúng đường rồi. Thế nhưng trong trại có nhiều bệnh nhân, và cũng không ít bệnh nhân phải nhận suất ăn miễn phí thì cái phong bì dúi vào túi điều dưỡng kia chỉ là điều không tưởng. Thế mới thành chuyện. Mình quan sát thấy anh điều dưỡng nọ cũng ân cần nhẹ nhàng chăm sóc cho các bệnh nhân không-phong-bì kia y chang bệnh nhân có-phong bì là ông già mình. Anh làm với tất cả tinh thần trách nhiệm của một điều dưỡng yêu nghề. Quan sát liên tục mấy ngày mình đều thấy vậy, ông già mình vẫn là bệnh-nhân-phong-bì và các bệnh nhân khác không-phong-bì trước sau chỉ là một thái độ phục vụ ân cần như nhau. Buổi tối ngày cuối trước khi xuất viện, mình có cơ hội lôi ảnh ra quán làm vài chai bia. Ảnh ăn uống từ tốn, nói chuyện chừng mực về các vấn đề chuyên môn và đặc biệt có cái nhìn đầy bao dung với người bệnh. Cuối buổi nhậu, rất Mỹ, ảnh đề nghị chia đều số tiền nhậu cho các thành viên và đề nghị trả phần của mình, phải năn nỉ lắm mình mới thuyết phục ảnh không phải trả tiền cho cuộc nhậu mình mời ấy.
Câu chuyện anh điều dưỡng nọ gây nên một cơn chấn động nho nhỏ với mình về cái gọi là lương thiện. Nó làm thay đổi hẳn bản chất của việc nhận phong bì bồi dưỡng. Bấy lâu nay ta quen đánh đồng hiện tượng phong bì với những việc làm xấu xa của đám người thiếu y đức. Thế nhưng, đã có người chứng minh rằng, y đức và tiền bạc không hề dính dáng nhau tẹo nào. Sự lương thiện, dường như cũng là một thái độ, người ta có quyền chọn nó, hoặc quay lưng đi. Cũng như phong bì, ta có thể chọn nhận hoặc không, bởi về bản chất, nó không có gì xấu xa khi làm cho cuộc sống vật chất của người nhận đàng hoàng hơn.

Ngày 19/02/2014 (Cứu giáo dục):

Mình luôn ủng hộ biện pháp giáo dục kiểu chăn cừu, đại khái là người thầy luôn hướng dẫn dìu dắt dạy dỗ bằng tình yêu bằng trách nhiệm bằng sứ mệnh. Thế nhưng mình chưa bao giờ lên án biện pháp trừng phạt trong giáo dục nào. Sự trừng phạt thích đáng đúng thời điểm mang lại một hiệu quả to lớn mà không lý luận giải thích hướng dẫn nào so sánh nổi. Nó như sự đốn ngộ trong thiền vậy. Và đương nhiên, nhất thiết không nên là việc thường xuyên hay phổ biến. Các biện pháp trừng phạt không nên là áp lực và đặc biệt không bao giờ là sỉ nhục. Bất cứ kẻ nào không phân biệt nổi điều này thì làm người còn chưa xong chứ đừng nói là thầy để ngông nghênh trên bục giảng rêu rao những thứ lố bịch khác.
Nhân gần đây có vụ choảng nhau giữa một học sinh và một tay côn đồ đội lốt thầy hành nghề giáo dục, chợt nhớ chuyện này.
Năm lớp 9, một bài làm văn của mình đã không chấm câu hết bài. Vị thầy, không ngần ngại cho ngay con điểm 4. Giữa một rừng toàn là học sinh giỏi, vài đứa tệ lắm loại khá, con điểm 4 khiến mình xếp loại trung bình và đội sổ tháng ấy. Cú trừng phạt đã gây cơn chấn động kinh hoàng cho mình lúc ấy để bây giờ mình luôn để ý cái dấu chấm câu. Và, hình như các friend của mình không có ai bị trừng phạt vì điều ấy hay sao mà khoảng hơn 80% những câu còm, xì ta tút, sms...mình ít khi gặp dấu chấm câu hết bài, hehe. Kể lại sự kiện này nhân một đợt có thằng bạn làm cái phỏng vấn bỏ túi cho phóng sự ngày 20/11 của nó, mình vẫn còn nguyên sự biết ơn và cảm phục ông thầy đã trừng phạt rất đúng lúc ấy.

Ngày 14/02/2014 (Cứu Côn Đảo):

Nghe đồn có một nghĩa trang rất linh thiêng ở một hòn đảo xinh đẹp nọ. Đặc biệt, khách phương xa chọn cách viếng lúc nửa đêm thì khấn gì được nấy, nói chung là linh ứng huyền vi không thể tả.
Chợt nhớ chuyện kể của Cao Huy Thuần. Rằng một nhà sư nọ, một hôm được một cô gái báo mộng rằng cô vất vưởng cõi trần đã lâu rồi, chỉ có đức độ của ông mới làm cô siêu thoát. Cô chỉ ông đến chỗ này, làm cái này, vân vân thì oan khí của cô sẽ tan. Tỉnh dậy, nhà sư y lời, lập chay đàn cúng kiếng đủ lễ. Thế nhưng, trong lúc tụng niệm, một vọng tâm xẹt ngang đầu ông. Ông mất định lực trong giây lát. Buổi lễ cầu siêu rồi cũng xong, nhà sư xem như giữ lời với cô gái. Bỗng hôm nọ, cô lại hiện về báo mộng, lần này dáng vẻ tiều tụy hơn, giọng điệu thì oán thán, trách: tôi đã tin tưởng nhờ ngài siêu thoát, thế mà ngài lại không chí tâm nên đã không đủ tha lực giải thoát cho tôi rồi.
Trở lại chuyện khấn nguyện nửa đêm ở nghĩa trang linh thiêng nọ, dẫu không biết chuyện đó là tốt hay xấu, đúng hay sai nhưng nếu có một lời khấn, mình thật tâm mong rằng cơ duyên nào đó mà một đại sư đủ công phu và định lực sẽ siêu thoát cho những thần thức oan khuất còn chưa tan đang tề tựu âm khí chốn này.

Ngày 25/01/2014 (Cứu kinh doanh):

Cuối năm rảnh rỗi thử gu mới với món không khoái lắm là cuốn "Tương lai của quản trị". Giở đại một chương đọc chơi mới giật mình nhớ câu "Gia trung hữu bảo hưu tầm mích" của Trần Nhân Tông. Hehe, cả năm nay nó bị hắt hủi nằm bơ vơ trên giá vì không cạnh tranh nổi với một lô quái bút mang họ Nguyễn. Xem ra nhà mình vẫn còn khá nhiều châu báu.
Bốn năm trước, mình phát sốt với câu chuyện kinh doanh của một công ty bán áo khoác trong một quyển sách của thiền sư Nhất Hạnh. Đó là một doanh nghiệp không có ông chủ, không có mệnh lệnh và nói không với chất liệu cotton vì những cánh đồng trồng cây nguyên liệu gây quái thai cho sinh vật xung quanh đó.
Thì ra, đó không phải là một tư tưởng lẻ loi bộc phát mà là đỉnh cao tư tưởng của quản trị hiện đại. Mà cũng chẳng hiện đại gì khi những thiên tài nghĩ ra nó đã áp dụng hàng ba bốn chục năm trước.
Đó là siêu thị Whole Foods với kim chỉ nam quản trị: Xây dựng doanh nghiệp bằng tình yêu chứ không bằng sự sợ hãi. Và với kiểu quản trị kiểu "tình yêu" như vậy, doanh nghiệp này đã tạo nên sức mạnh vô biên đủ khiến những kẻ cung cấp hàng hóa theo cách tồi tệ không tài nào có cơ hội trưng bày sản phẩm trên kệ của họ. Các động vật bị giết thịt theo cách ít gây đau đớn nhất và được nuôi nhốt trong một điều kiện đàng hoàng.
Đó là W.L Gore với kiểu quản trị mạng lưới và là nơi không phải ý tưởng đúng nhất sẽ đến từ nơi quyền lực nhất. Để từ đó người ta biến một sản phẩm chuyên dùng trong tim mạch thành sợi dây đàn được dùng nhiều nhất trên thế giới.
Điểm chung thú vị của kiểu quản trị "tình yêu" hay "vô chủ" này là luôn được sự dòm ngó và nhận xét tận tình nhanh chóng của đồng nghiệp và khách hàng. Bất kì một hành động nào của ai đó đều được phản hồi ngay lập tức bởi một biểu tượng "mặt cười" hay 'mặt khóc".
Thật vui khi mấy tháng trước, hệ thống công quyền ở một thành phố thuộc tỉnh đã được trang bị màn hình hai cái mặt này.
Càng vui hơn khi một bạn đồng nghiệp không biết có xem qua quyển sách này không nhưng lại có một ý tưởng hội nhập chung xu thế quản trị hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét