Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường để tăng thu nhập người trồng lúa


Với khái quát về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long tại chương 2 cùng nhận xét về một số tồn tại của các chuyên gia trong lĩnh vực này ở chương 3, tôi đề xuất một số giải pháp mang lại hiệu quả hơn cho ngành xuất khẩu gạo. Nếu như các phân tích ở chương trước đã trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu thì các giải pháp này là để khẳng định cho giả thuyết nghiên cứu đặt ra ở phần mở đầu, cũng là mục đích của đề tài này: “Một chính sách thu mua và xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường sẽ làm thay đổi căn bản đời sống người nông dân đồng bằng sông Cửu Long theo hướng giàu có hơn” là hoàn toàn đúng đắn.
Các giải pháp nhằm khẳng định cho giả thuyết là:

1. Bổ sung thêm một số điều khoản mở trong cấp phép doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Cụ thể ở các biện pháp sau:
             + Tối thiểu hóa quy định điều kiện chuẩn kho với xu hướng mở rộng đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam đối với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này tham gia vào thị trường, nhằm gia tăng cạnh tranh, làm lợi cho nông dân.
             + Với mục đích tập trung năng lực để xuất khẩu các hợp đồng lớn (hợp đồng chính phủ), Nghị định 109 nên làm theo tinh thần của Luật đấu thầu. Đó là chỉ quan tâm đến năng lực của Nhà thầu tại thời điểm đấu thầu chứ không phải sự sở hữu tài sản của họ. Điều đó có nghĩa, quy định về kho chứa 5.000 tấn và nhà máy chế biến 10 tấn lúa/giờ nên giới hạn ở mức quyền sử dụng. Tức chỉ yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khả năng sử dụng các tài sản này (bằng các hợp đồng thuê mướn, liên danh, nhượng quyền...). Các doanh nghiệp không đủ năng lực theo quy định, được phép liên danh để cộng năng lực.
Điều này mang lại ba ý nghĩa to lớn:
             a. Mở rộng cạnh tranh;
             b. Khuyến khích hình thành các tổ chức chuyên môn hóa, từ kho dự trữ, nhà máy chế biến đến logictics, thương mại, xuất khẩu. Từ đó tạo nên chuỗi cung ứng chuyên nghiệp dựa vào nhau và tạo nên sức cạnh tranh cực lớn.
c. Các giá trị trong chuỗi được phân phối hợp lý và minh bạch thông qua các thỏa thuận và ràng buộc ngay từ đầu.

 2. Trả VFA về đúng chức năng là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đúng nghĩa. Kinh doanh đúng luật doanh nghiệp và hoạt động theo quy luật thị trường

Với những vấn đề của VFA được chỉ ra ở chương trước cùng nhiều đề xuất của chuyên gia, tôi mạnh dạn xem đây là một giải pháp nâng cao thu nhập của người trồng lúa. Triết học cổ điển đã chỉ ra rằng ở đâu có quyền lực, ở đó có tha hóa. Đặc biệt khi quyền lực không được giám sát và dần trở nên tuyệt đối, nó tha hóa tuyệt đối. VFA là một tổ chức nghề nghiệp của các doanh nghiệp, khống chế thị phần xuất khẩu gạo trên 70% và chỉ quan tâm đến quyền lợi hội viên. Thế mà tổ chức này được chính thức giao quyền làm thay cơ quan quản lý nhà nước trong những chính sách lớn liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân là nông dân. Do đó, việc làm đúng đắn là trả về đúng chức năng nhiệm vụ của các đơn vị như vốn có của nó. Trong đó, chỉ có người viết luật mới được làm chính sách. Cụ thể như sau:
a. Các chính sách lớn về giá và hạn mức xuất khẩu chỉ nên được cơ quan nhà nước công bố dưới dạng thông tin cần biết. Các đơn vị liên quan dùng dưới dạng tài liệu tham khảo (đây là cách Bộ xây dựng đang làm với các công bố về giá vật liệu xây dựng hàng tháng, chỉ số giá xây dựng, suất đầu tư...).
b. Các hoạt động mang tính nghiệp vụ thị trường như mức giá xuất khẩu, sản lượng tạm trữ, để cho thị trường quyết định theo luật cung cầu. Vấn đề an ninh lương thực cũng nên nhìn dưới góc độ thị trường và xử lý bằng các công cụ thị trường. Ví dụ, Nhà nước dự kiến sản lượng tiêu thụ trong nước và công bố cùng với giá sàn. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có quyền mua hết lượng gạo này để dự trữ, bình ổn, đảm bảo các mục tiêu quốc gia. Sản lượng gạo còn lại trên thị trường lúc đó nên được xem như một loại hàng hóa thông thường mà mọi doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp được được phép kinh doanh.
c. Tháo dỡ chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Dùng chính sách thuế thay cho hạn ngạch để điều tiết thị trường.

3. Nông dân tham gia vào chuỗi giá trị dưới hình thức thỏa thuận liên danh hoặc công ty cổ phần. Rút ngắn kênh phân phối

Phân tích chuỗi cung ứng lúa gạo ở chương trước đã chỉ ra, 93% người trồng lúa bán lúa tại ruộng cho thương lái. Các thương lái này lại qua nhiều tầng trung gian. Mức lợi nhuận cho chuỗi hàng xáo này lên đến 40%.
Ngoài ra, người nông dân hoàn toàn không biết gì về giá xuất khẩu. Mà mức giá này chính là nguyên nhân hình thành mức giá thu mua lúa tại ruộng của họ (Giá mua lúa = Giá xuất khẩu – Giá chế biến, trung gian).
Như vậy, hoàn toàn có thể chuyển lợi nhuận trong chuỗi từ thương lái này về người nông dân bằng cách kéo công ty xuất khẩu lại gần họ và cho họ chủ động tham gia vào việc hình thành giá gạo xuất khẩu.
Giải pháp của tôi là: Liên kết mọi thành phần trong chuỗi xuất khẩu lại bằng thỏa thuận liên danh, trong đó quy định mức ăn chia ngay từ đầu theo giá bán được. Trường hợp lỗ, mức lỗ này cũng được phân tán cho các đối tác chứ không tập trung chỉ một người trồng lúa.
Giải pháp toàn diện đầy nhân văn giải quyết vấn đề trên đã được đề xuất cách đây 4 năm của GS-TS Võ Tòng Xuân là hình thành “Công ty cổ phần nông nghiệp” được trình bày cặn kẽ trong bài báo “Mở lối ra cho nông dân” trên báo Người lao động ngày 12/12/2010. Khái quát như sau:
+ Cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì họ không có vốn), công ty trả tiền chậm 10 - 15 ngày cho nông dân.
+ Công ty bảo đảm vào thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty cộng với lãi suất 10 - 15 ngày.
+ Đến cuối niên vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ, đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được chia lãi đồng nào.

Một phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các công ty cổ phần. Hằng năm, Nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu của VN căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh. Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó, các công ty cổ phần nông nghiệp của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu. (Nguồn:http://nld.com.vn/kinh-te/mo-loi-ra-cho-nong-dan-2010121212572711.htm).

4. Nhà nước hỗ trợ cho nông dân bằng chính sách, thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng trợ giá và thu mua tạm trữ.

Các phân tích ở chương trước cho thấy các chính sách lớn của nhà nước hỗ trợ cho nông dân thực ra người nông dân được hưởng rất ít nếu không nói là chẳng được gì. Các chuyên gia đã chỉ ra, việc hỗ trợ này chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà nhập khẩu (trường hợp trợ giá xuất khẩu), và lợi nhuận thương lái (trường hợp thu mua tạm trữ và ưu đãi lãi vay).
Vì thế, thay vì hỗ trợ như vậy, nhà nước chỉ cần tính đủ chi phí vào giá thành hạt gạo, công bố giá sàn, tổ chức thu mua theo giá thị trường với hệ thống kho chứa đủ công suất chính làm làm người nông dân thoát nghèo.
Mặc khác, ở các vùng đất không phù hợp để sản xuất lúa (chi phí cao, năng suất thấp), nhà nước mở chính sách bằng cách cho người dân tự trồng lấy sản phẩm phù hợp. Vì theo cách tiếp cận an ninh lương thực theo thu nhập hiện nay, mất an ninh lương thực có nghĩa là người dân không có tiền mua thực phẩm chứ không phải không có gạo để ăn. Việc thặng dư một khối lượng lúa quá lớn chỉ khiến lúa rớt giá chứ không hề làm tăng thu nhập cho người dân, ngược lại, làm giàu cho giới kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón.

5. Tháo dỡ hạn điền và tăng thời gian sử dụng đất.

Biện pháp cuối cùng cũng liên quan đến vấn đề thị trường là xem đất như một tài sản thông thường khác, khi đó người nông dân không phải bị giới hạn quyền sử dụng ở mức 3ha/người như hiện nay mà được quyền sử dụng tùy theo năng lực và nhu cầu của họ. Thời hạn sử dụng cũng chỉ cần như các đối tượng khác là 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Có như thế, người nông dân mới dốc tâm huyết và quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của mình, tin tưởng và hãnh diện vào sản phẩm của mình.

Tóm lại, do đề tài thực hiện nghiên cứu định tính nên không thẻ kết luận thu nhập của người nông dân tăng lên bao nhiêu sau khi thực hiện các giải pháp. Nhưng, đề tài nàu hoàn toàn có thể kết luận, các giải pháp này chắc chắn nâng cao thu nhập cho người nông dân hiện giờ, nếu không phải là 70%  như năm 2006 thì cũng hơn 10% như hiện giờ. Chưa kể, do áp lực cạnh tranh, sẽ xuất hiện những phương thức sản xuất và kinh doanh mới mà mức lợi nhuận không thể lường trước.

PHẦN KẾT LUẬN

Qua các phần trình bày trên có thể thấy, sự nghèo khó của người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể thay đổi chỉ bằng giải pháp hành chánh, mà cụ thể ở đây chỉ đơn giản là cho phép họ được quyền tự do buôn bán thứ mà họ nai lưng bám đất lương thiện cày cục làm ra. Thật khó chấp nhận, rằng chỉ bằng những khái niệm mập mờ không định lượng như an ninh lương thực cùng vài nhận định đầy chủ quan mang tính cá nhân của một chủ tịch hội nghề nghiệp nhưng được giao quyền quản lý nhà nước có mức lương xấp xỉ 80 triệu đồng/tháng, những người trục lợi có thể thao túng cả một thị trường gần 4 tỉ USD mỗi năm. Quy luật 80/20 thể hiện trong bức tranh lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long thật nghiệt ngã: 80% lợi nhuận trong chuỗi giá trị chảy vào túi kẻ bỏ 20% vốn đầu tư. Bức tranh ấy còn cho thấy 4 triệu người trồng lúa kiếm chưa đầy 20% lợi nhuận kia có thu nhập dưới 1USD/ ngày dẫn đến bi kịch là khoảng 12,6% hộ gia đình còn hạn chế trong tiếp cận hoặc không tiếp cận được đầy đủ lương thực và thực phẩm, an ninh lương thực không đảm bảo. Điều đó có nghĩa, chính người trồng lúa  bị đói ngay trên đống gạo của mình.
Với thực tế này, các lãnh đạo điều hành hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA cần phải thấy rằng: An ninh lương thực ngày nay không có nghĩa là không có gạo ăn, mà là không có tiền để mua gạo ăn. Cho nên, mục tiêu an ninh lương thực chính là mục tiêu nâng cao thu nhập cho người trồng lúa vậy.
Thực thi mục tiêu ấy, chỉ có một con đường duy nhất là tuân theo các quy luật thị trường. Các biện pháp điều tiết vĩ mô nếu cần thiết, cũng phải bằng chính các công cụ ấy. Chỉ cần xây dựng luật chơi sòng phẳng, người chơi sẽ chơi hết mình. Các hỗ trợ tự nó trở nên không cần thiết.
Mặc dù đề tài này không nghiên cứu định lượng để kết luận chính xác rằng người nông dân được nâng thu nhập lên bao nhiêu phần trăm khi hoạt động xuất khẩu lúa gạo được cởi trói theo cơ chế thị trường. Nhưng đề tài này hoàn toàn có thể kết luận, việc kinh doanh xuất khẩu lúa gạo theo các đề xuất giải pháp đã nêu, hoàn toàn có thể trả lại lợi nhuận cho nông dân như họ đã từng được trước đó: 70% thay thì 10% đến 20% như hiện tại.
Để làm được điều đó, việc điều hành bằng chính sách là hết sức quan trọng. Bởi vì, trong phạm vi điều chỉnh của luật, người dân phải là trung tâm. Để người dân là trung tâm, luật phải được soạn bởi chính tiếng nói đại diện người dân, cụ thể là Đại biểu Quốc hội. Cho nên, về tổng thể, tất cả các chính sách chạm đến đời sống người dân chỉ nên được ban hành ở tầm cao nhất là Luật.
Cuối cùng, xin lấy câu chuyện con bướm trong kén thay cho lời kết: Một anh chàng nọ trông thấy con bướm đang vất vả tìm mọi cách xé cái kén bao quanh mình. Thấy tội nghiệp, anh thò tay xé kén cho nó. Con bướm ấy đã vĩnh viễn chỉ còn bò quanh quẩn dưới đất. Nó không thể bay vì mất đi cái nỗ lực ban đầu tự nhiên để làm nền cho động cơ tồn tại và phát triển sau này.
Mong sao cho những năm tới đây ngành lúa gạo Việt không gặp phải bi kịch con bướm bị người ta xé kén.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét