Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

KẾT LUẬN NHỎ CHO KHÁI NIỆM LỚN: ĐẠO ĐỨC KINH DOANH



Biết được một điều gì đó đúng đạo đức đã khó, nhưng làm điều có đạo đức càng khó hơn. Đơn giản, bởi như đã định nghĩa, nguồn gốc của đạo đức chính là mâu thuẫn. Đó có thể là mâu thuẫn tự thân, giữa những điều đã được khắc sâu trong tâm trí với hiện trạng xã hội bên ngoài. Đó có thể là mâu thuẫn giữa tổ chức  vì những khác nhau  về quan niệm, xung đột về lợi ích. Vì vậy, nhà khai sáng giáo dục Đức, Wilhelm von Humboldt (1767-1835) đã chủ trương một đường lối giáo dục với khái niệm gọi là ”bildung”, đó là: ”giáo dục nhân cách, giáo dục con người hành động tự do, tự bảo tồn mình và trở thành một thành viên của xã hội, nhưng vẫn có thể giữ vững một giá trị nội tại cho chính mình”. Nói như Herger là (theo Trò chuyện triết học – Bùi Văn Nam Sơn):
 ”Chúng ta là những con người trước đã, rồi mới trở thành những kẻ hành nghề! Khi con dao đã được mài sắc, nó mới có thể cắt đủ mọi thứ được.”
Thế kỉ XX, chí sĩ Phan Chu Trinh cũng đã từng chủ trương khai phóng tư tưởng người dân để giải phóng dân tộc. Với khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ông đi theo con đường giáo dục ý thức công dân tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập tự chủ, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái. Ông thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục.
Như vậy, để một doanh nghiệp có đạo đức kính doanh và thực hiện đạo đức đó ra cộng đồng, điều cốt yếu chính là giáo dục con người. Vì, con người chính là trung tâm của sự phát triển. Và, giáo dục con người như thế nào để có đạo đức, không gì khác hơn chính là thực hiện đường lối giáo dục của Humboldt và Phan Chu Trinh.
Xã hội Việt Nam hôm nay có quá nhiều chuyện đau lòng được các chuyên gia cho rằng yếu tố văn hóa và giáo dục đóng vai trò quan trọng, phải chăng do mỗi cá nhân thiếu một ”giá trị nội tại cho chính mình?”
Ở góc độ vĩ mô, như ví dụ nhà thầu JTC hối lộ ở phần trước thì đạo đức của chính phủ chính là thiết kế một thể chế sao cho quyền lực không bị tha hóa, bởi theo triết gia người Anh Lord Acton: Quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối. Thể chế nào làm được điều đó? Rất may mắn, ở thế kỉ XVIII, cũng một triết gia người Anh là John Locke (1632–1704), nhà tư tưởng lớn đã mang lại cảm hứng cho bản tuyên ngôn độc lập lừng danh của Hoa Kì đã khai sáng ra một thể chế như vậy.  Đó là các 3 quyền lực cơ bản của Nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập ngang nhau và giám sát lẫn nhau.
Trên con đường phát triển tiến tới mục đích tối hậu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thật may mắn, đất nước ta cũng đã quyết tâm theo đuổi một chính quyền như vậy, như thông điệp năm 2014 thể hiện tầm nhìn của thủ tướng chính phủ Việt Nam:
“Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.
Với thể chế chất lượng cao ấy là:
   + Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại.
   + Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.
Chúng ta đặt trọn niềm tin vào điều ấy. Vì một Việt Nam phồn vinh và nhân văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét