Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Kế hoạch vốn - Khốn dân nghèo


Hồi nhỏ, cứ mỗi lần Tết đến, mình rất khoái thấy đường sá sửa sang, vỉa hè sạch sẽ, cây cối tỉa tót quang đãng. Đặc biệt sau khi có lệnh cấm đốt pháo thì chính quyền chuyển sang tổ chức bắn pháo hoa cũng rất hấp dẫn. Lớn hơn một chút, mình để ý thấy đường sá vỉa hè cây xanh chiếu sáng nhiều khi vẫn còn đang rất tốt là thế, nhưng số phận vẫn như mấy thứ hư hỏng, tức là Tết đến vẫn cứ phải lật lên, trang hoàng, vá víu qua loa rồi đón Tết. Gần như đã thành thông lệ. Mấy cái nắp cống hư hỏng cả năm nằm chơ vơ lòi sắt, mấy cái trụ đèn mất nắp lòi mấy dây điện chắp nối lộ cả ruột đồng cứ chỏng chơ mặc cho bao đơn thu kêu gào sửa chữa. Để rồi mặc nhiên Tết đến, cùng với những nắp cống, những trụ đèn còn tốt khác, chúng mới được những đơn vị gọi là có chức năng mó tay vào thay đổi hay sửa chữa.
Cái sự sửa chữa cuối năm như vậy dần dần mình mặc nhiên chấp nhận như một kiểu bị nhồi sọ mà chẳng hiểu nguyên nhân là gì. Cho đến khi đi làm hơn chục năm mình mới biết trên đời này có một cái gọi là kế hoạch vốn. Cái này tạm hiểu như vầy: có một ông cầm hết tiền thu được của người dân cả nước, bắt đầu hỏi các ông ở địa phương, năm nay muốn nhiêu tiền. Các ông địa phương bắt đầu cò kè với ông cầm tiền để cuối cùng thống nhất xin được một cục. Tiếp đến ông cầm tiền tổng lại hỏi như vậy các ông bộ, sự việc diễn ra tương tự cho đến khi toàn bộ số tiền đã được ghi hết cho các chủ nhân của nó, mà từ chuyên môn gọi là chủ đầu tư. Cái này tinh thần của nó là rất trong sáng rất khoa học rất đáng phát huy. Nhưng mà cái sự méo mó của nó bắt đầu lộ ra ở chỗ ông nào đã xin được tiền rồi mà xài không hết thì năm sau miễn bàn, chỉ cho đúng bằng số tiền năm trước. Từ đây, bắt đầu một bi kịch của đồng tiền kế hoạch vốn. Ông địa phương xin được cục tiền ôm về bắt đầu đóng vai của ông cầm tiền phát lại cho các ông sở ban ngành cấp dưới. Số tiền lại được ghi tên các chủ đầu tư nhỏ hơn cho đến khi hết cục tiền xin được. Và vấn đề nằm ở chỗ, các ông chủ đầu tư nhỏ này, sống chết kiểu nào cũng phải tiêu cho hết số tiền đã đăng kí nếu không muốn năm tới mình ngồi chơi xơi nước. Và bi kịch chính là cuộc sống cứ vận động theo nhịp của nó chứ không hề theo nhịp của cái kế hoạch xài tiền các quan thầy đặt ra. Một ngôi trường xuống cấp thì phải cải tạo ngay không cần biết nó đã được bố trí vốn hay chưa. Một cây cầu bị sà lan đụng sập phải được xây dựng lại ngay tức khắc chứ không phải giải trình tại sao phải xây lại cây cầu này vì nó đã được xây rồi.
Điển hình nho nhỏ cho cái sự méo mó quái dị này là, ở trường con mình, cái nhà vệ sinh tầng của nó bị hỏng, phải chờ cả năm mới sửa được, mình đồ rằng đường đi của nó là: xin vốn năm sau cho việc sửa nhà cầu bị hư năm nay, chờ sau khi được bố trí vốn lập thiết kế sửa chữa, thẩm định phê duyệt thiết kế, đấu thầu chọn nhà thầu giá rẻ đến sửa, cuối cùng là nghiệm thu đưa vào sửa dụng. Điển hình tiếp theo là cái lan can cầu Hưng Lợi bị xe tải ủi sập một đoạn, cực kì nguy hiểm cho người bộ hành, thế nhưng sự nguy hiểm đó không can chi đến cái ghế an toàn cua chính quyền. Họ cứ đi thẳng con đường của họ đúng y cái con đường sửa chữa nhà cầu ở trường con mình.
Méo mó quái dị ở chuyện nhỏ là thế, méo mó quái dị ở chuyện lớn lại càng khốn nạn hơn. Bất kì ai có con nhỏ phải nằm viện ở cái địa ngục gọi là bệnh viện nhi đồng Cần Thơ đều chịu thảm cảnh các cháu trong giường thì chật chội nóng bức, ngoài phòng thì inh ỏi kèn xe hôi hám cống rãnh. Thật nhếch nhác thảm thương kêu trời không thấu. Thế mà cái dự án xây mới bệnh viện cho các em cứ ì ạch năm này qua năm khác với mớ vốn cấp nhỏ giọt cho công trình. Lại càng khốn nạn hơn khi người ta sẵn lòng phóng tay bạt mạng cho một mớ hỗ lốn gọi là đèn hoa giăng nhức mắt trên khắp đường Hòa Bình mà chi phí nghe đâu không dưới hàng chục tỉ.
Ngồi uống cà phê với mấy người bạn làm chủ doanh nghiệp gần đây, mới thấy sự khốn khó của người lao động lương thiện hiện nay, họ đang liên tục bị đẩy đến bờ vực bần cùng. Thế nhưng, chính sách tận thu chưa hề thấy dấu hiệu vơi giảm, công trình phúc lợi không thấy hoàn thành, lắm trò vớ vẩn trang hoàng đón Tết liên tục được tiêu hoang. Tiền bạc làm ăn lương thiện cứ bị móc trắng trợn khốn nạn như thế, lòng người còn chút vui tươi nào mà đón Tết?
Than ôi:
Tiễn năm cũ, thấy vạn sự như cũ:
Tiền mất giá, nhóm lợi ích vẫn ôm vàng đầy núi.
Đón năm mới, biết trăm điều không mới:
Điện xăng tăng, triệu dân đen phải lâm cảnh cơ hàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét