Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Mới ngộ câu: Không thầy đố mày làm nên


Chính xác ra thì câu này hình như mình đã làm bài luận giải thích hay phân tích hay chứng minh hay bình luận gì đó hồi năm lớp 8 (tức 14 tuổi), cái thuở được nền giáo dục nước nhà vỡ lòng cho cái sự bày tỏ chính kiến. Nhưng đến chiều hôm qua (lúc 34 tuổi) trong lúc tập quả smash trong tennis, mình mới thấy được chân giá trị  mà ông bà đã gửi gắm qua câu nói ấy.
Số là mình tập tennis với thầy Liêm được 2 cú trái tay và thuận tay thì nghỉ, cú giao bóng thì cũng chỉ là cho qua sân, riêng cú smash thì tịt. Suốt 5 năm tham gia môn này, trong khi cú trái tay đã đưa mình vào làng cao thủ thì cú smash đã là nỗi nhục khôn nguôi mỗi khi có dịp phải dùng đến. Và thuật ngữ đã có từ khá chính xác dành cho các tay vợt loại này: bệnh sợ độ cao.
Mình đã quyết tâm khắc phục bằng cách nhờ các tay vợt hàng đầu địa phương huấn luyện, bắt 2 thằng em Đạt, Tiến thẩy banh cho đánh nhưng mãi không thể cảm giác được cú ấy. Cho đến chiều qua, khi thầy Tính thẩy banh cho mình tạp quả smash, ổng chỉ ra ngay sao cái tay của mày cứ kẹp kẹp ở dưới, mình chú ý giở cao tay lên thì quả thật cú đánh nghe tiếng bụp bụp đầy cảm khoái. Bi kịch thay 5 năm nay mình càng tập càng lún sâu vào động tác bậy bạ. Công thức: Dốt nát + Nhiệt tình = Phá hoại quyết chẳng sai.

Và thế là mình trăn trở về người thầy (chắc cũng một phần do sắp tới ngày 20 tháng 11). Mình nhớ khoảng năm 1996, lúc ấy toàn bộ những đứa học giỏi như mình (hehe) đều thi Bách Khoa, Y Dược, đứa nào thi Kinh tế đã được xem là hạng hai rồi. Còn thi sư phạm thì khỏi nói, "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". 5 năm sau (2001), lứa ấy ra trường, và các thầy sư phạm lúc còn là sinh viên đã "cùng sào" ấy bắt đầu đào tạo cho trẻ em cả nước. Mình lờ mờ cảm nhận làm sao mà các thầy có thể truyền được sự tự tin, lòng nhiệt huyết, tính dấn thân cho các trẻ khi mà bản thân mình bị xã hội nhìn như là những người thất chí ngay từ ngày bước vào giảng đường đại học. Làm sao mà thầy có thể tự tin nói về sự phát triển bản thân khi mà đồng lương cọc cạch của thầy bị đè nặng bởi các chỉ tiêu, thành tích mà chính các thầy cũng khó thể thoát ra.
Mà ngay cả đồng lương ấy, để đảm bảo hiệu quả dạy học, cũng bị cơ chế cắn mất một phần khi các thầy phải tự sắm sửa giáo cụ, đồ dùng cho các em (cô giáo dạy con gái lớp chồi của mình vẫn phải cậy nhờ phụ huynh sắm sửa giấy, mực..để làm đồ chơi dạy trẻ, không thì tự bỏ tiền túi ra mà làm. tội cô quá). Và với đời sống kinh tế như vậy, với tinh thần bất đắc chí như vậy, bước chân vào lớp, thầy còn gì để truyền lại cho các em? Tốt thì nói lại như cái máy các giáo điều ở SGK, còn không thì đè bẹp hết thẩy các sáng tạo trẻ thơ khác. Mỗi năm, một thế hệ bị bóp nghẹt ý tưởng, tự tin, chí hướng ấy lại hòa vào xã hội một lớp người. Vài chục phần trăm lớp người ấy thành công chức, vài chục phần trăm công chức vào quan chức, và vài phần trăm quan chức viết chính sách điều hành xã hội. Chính sách mới lại chấn hưng giáo dục bằng hô hào!!! Liệu rồi đây "mày" con tôi sẽ làm nên điều gì khi được giáo dục bởi những người "thầy" hô hào đầy phẫn chí như vậy. Hồi hộp thay cho con của mình, thầy của nó đang ở đâu đây?

Kết bài, xin trích lại câu mà Nguyễn Tường Bách học được từ một vị Lạt ma nào đó trên đường hành cước sang Tây Tạng (Mộng đời bất tuyệt - Nguyễn Tường Bách): "Cộng nghiệp của dân tộc sinh ra lớp người lãnh đạo dân tộc ấy". Chấm hết.
Thế thì thôi nhé, dựa cột mà nghe Tố Như tiên sinh nói nè:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân. 
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa. 
Thiện căn ở tại lòng ta. 
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét