Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Sống, làm việc theo John C. Maxwell và Thích Nhất Hạnh


Sở dĩ mình phải nói như vậy vì hai bác này viết sách ra không phải để đọc. Sách bác ấy là để sống. Mỗi câu mỗi đoạn mỗi chương là một pháp thực hành. Thực hành để biết sống sao cho quyền lực hơn, giàu có hơn, thành công hơn. Thành công theo định nghĩa của John, và quyền lực, giàu có theo định nghĩa Thích Nhất Hạnh nhé. Đây, định nghĩa thành công của John:
- Thành công là: biết được mục tiêu trong đời, phát huy tối đa tiềm năng, và,  làm những việc có ích cho mọi người.
Còn đây, quyền lực và giàu có của Thích Nhất Hạnh:
 - Quyền lực: là 5 thứ như vầy: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.  Bỏ qua 4 khái niệm còn lại mang hơi hướm tôn giáo, mình xin nói về kỹ thuật "tinh tấn" đầy trí tuệ và nhân văn như sau:
 "Tấn": được hiểu là 4 thái độ sống, áp dụng với 2 cảm thức vốn có trong tàng thức mỗi con người:  phần "con" xấu xa sân hận và phần "người" tin yêu lạc quan.
 (Tàng thức: triết học duy thức cho rằng mỗi suy nghĩ khởi phát trong đầu là một hạt giống, hạt giống ấy lưu giữ ở đâu đó trong vỏ não gọi là tàng thức, gặp môi trường thuận lợi, hạt giống ấy nảy mầm thành ý thức. Vì vậy Phật nói: Ý khởi đầu các pháp). 
Bây giờ thì thực hành "tấn" nhé:
 - Khi hạt giống "con" sắp  nổi lên: hãy hạn chế môi trường sân hận tiếp xúc nó.
 - Khi hạt giống "con" đã hiện hành" hãy tìm cách thay bằng hạt giống "người". Giống như khi nghe 1 đĩa CD, bạn không thích đĩa này thì hãy thay đĩa khác.
 - Khi hạt giống "người" sắp nổi lên" hãy tạo môi trường thuận lợi cho nó phát triển.
 - Khi hạt giống "người" đã hiện hành: hãy cố gắng giữ nó hiện hành càng lâu càng tốt.
 Hơi dài dòng nhỉ, thôi tiếp tục về sự giàu có đây:
 - Giàu có: tạm hiểu như nội dung một truyện cười thông thái dưới đây (mình không copy được nguyên văn, chỉ xin kể lại):
"Người cha giàu có muốn đứa con của mình hiểu được sự giàu có, đã dẫn đứa nhỏ về một miền quê nghèo khó, cốt để nó so sánh và thấy được sự giàu có của gia đình. Sau chuyến đi, người cha đắc ý hỏi con:
 - Này, con đã hiểu được sự giàu có và nghèo khó rồi chứ?
Lòng đầy hân hoan, đứa nhỏ hào hứng nói:
Vâng, thưa cha, những người nông dân ấy thật quá giàu có so với nhà mình: họ có cả một dòng sông khi nhà mình chỉ có một hồ bơi bé xíu. Họ có cả một nông trại rộng lớn khi nhà mình chỉ có một mảnh vườn con con. Và đêm xuống, khi nhà mình thắp những ngọn đèn điện lòe loẹt yếu ớt thì họ có cả một bầu trời đầy sao lung linh."

Hai quyển sách rõ ràng chưa thay đổi được gì ở con người của mình (mình vốn trì độn và ăn xổi, hihi) nhưng rõ ràng nó là một ngọn đèn để thấy đó mà đi. Ít ra thì đó cũng là ngón tay để mình theo dấu mà biết được có mặt trăng đang sáng trên đầu.
Lại nói về John, không phải bác ấy truyền cảm hứng cho mình bằng 25 chương dạy về kĩ năng lãnh đạo, mà bác ấy đã gây nên sự cảm phục sâu xa về việc nói về cái chết ở chương thứ 26. Phải nói ở chương "Xây dựng di sản" này, bác ấy đã vượt lên những bộ óc thông minh khác để nhập vào  "những ngọn lửa tâm linh vĩ đại" (chữ của Nguyễn Tường Bách) bằng những trải nghiệm vô giá của mình. Bác nói về sự chết đầy nhân hậu như một vị đại thiền sư đã qua được "bờ bên kia". Người ta rõ ràng chỉ có thể sống tử tế khi đã suy nghĩ thấu đáo về cái chết của mình.
Kỳ diệu thay, một người cả đời tu tập, một người cả đời nghiên cứu và thực hành quản trị mà cùng có cái nhìn thông suốt sự vi diệu của Đạo. Bởi thế, thiền sư Soko Morinaga sau hạnh phúc tột cùng của cảm giác chứng ngộ, đã xúc động thốt lên: "Không chỉ ở những nơi chốn được đặc biệt lập ra cho sự tu tập, mà bất cứ lúc nào và ở đâu, một con người nỗ lực trong sự trang nghiêm, không lo lắng gì đến kết quả và không lùi bước trước những sự thất vọng, là một người chân tu, một người thực sự đi theo con đường Ðạo". (trích "Từ nụ đến hoa", các bác xem toàn văn quyển sách rất hay này tại đây)
Không nói về những nội dung chuyên môn trong sách của John, vốn viết về lãnh đạo (Tinh hoa lãnh đạo - John C. Maxwell, alphabooks xuất bản 2011), mình chỉ nói về cách mà John muốn ta sống, và chỉ cần sống được như vậy thì mỗi người đã là một nhà lãnh đạo tinh tế và tài hoa rồi, (ít nhất là với thiên thần nhỏ đang mỗi ngày lớn lên bên họ, hihi). Thật vậy, đó là cách chúng ta suy ngẫm hàng ngày mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc. Hãy xem bác ấy khuyên ta ngẫm gì, (xin được trích):
- Gia đình.
- Sức khỏe.
- Sự rộng lượng.
- Các nguyên tắc.
Nếu các suy ngẫm đầu ngày đó dần dẫn các bạn tới thành công, thì thực hành bài kệ dưới đây từng giây phút sẽ mang lại cho bạn thứ quyền lực không ai có thể tước đoạt được (Quyền lực đích thực - Thích Nhất Hạnh, NS Phương Nam xuất bản 2010):
1.  Vào, ra (hít vào, thở ra).
2.  Sâu, chậm (hít vào, thở ra).
3. Khỏe, nhẹ (hít vào, thở ra).
4. Lắng, cười (hít vào, thở ra).
5. Hiện tại, tuyệt vời (hít vào, thở ra).

Cầu chúc ai đọc bài này sẽ sống theo John C. Maxwell và Thích Nhất Hạnh.
A men.
A tu la.
A ma koong.
A đi đát.
A li ba ba.
A rê ka.


2 nhận xét:

  1. Em nghĩ triết lý này rất hay đó vì bản thân em cũng từng nghĩ như vậy, A.V biết em thích nhất là đoạn truyện kể về sự " Giàu có " vì em đã từng nghĩ sự giàu có ở đây không phải là tiền, vật chất mà nó vốn là một cái gì đó mang đến cho con người sự yên vui, hạnh phúc, một cảm giác thật bình yên và gần gũi. Em cũng hy vọng khi ai đọc được bài này sẽ hiểu hơn về triết lý sống thật tuyệt của John C. Maxwell và Thích Nhất Hạnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Kim Huệ lại tuyên truyền sai chủ ý của mình rồi. Làm sao mà "hiểu" được. Phải "sống". Triết lý mà "hiểu" thì giống như cô nhân viên ngân hàng ngày ngày ngày dòm 1 đống tiền của người ta mà tối về không có nổi 1 đồng mà ăn hủ tíu vậy.

      Xóa