Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Lịch sử Việt Nam: Tiên trách sư, hậu trách đồ


Cuối cùng thì báo chí chính thống Việt Nam chắc mắc cỡ quá đã phải đăng bài của bác Nguyên Ngọc trả lại sự tôn kính cho nhà chí sĩ Phan Chu Trinh sau bao nhiêu năm chịu sự đàn áp bởi định kiến của những người làm công tác giáo dục môn sử cho hậu thế nước nhà (nguồn ở đây).
Nhân sự thừa nhận này mà mình tìm lại tư liệu về Lê Văn Tám, cũng may bài viết liên quan đến anh hùng này vẫn còn, theo đó nhân vật là biểu tượng anh hùng của Việt Nam được giáo sư Phan Huy Lê đúc kết như sau:
"Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám." (nguồn ở đây).
Bác Lê phân tích cũng nhẹ nhàng, huyền thoại thì cứ là huyền thoại, như là huyền thoại về Cổ Loa Thành, huyền thoại về hồ Hoàn Kiếm và sức sống của nó vẫn cứ là bền bỉ, và ta mặc nhiên coi đó như là dã sử. Cứ xem bà con mê như điếu đổ Quách đại hiệp giữ thành Tương Dương chống Mông Cổ thì biết. Nhưng đã là lịch sử thì phải là chính sử. Và chính sử thì phải tôn trọng sự thật, sự thật như nó vốn có chứ không phải như ta mong muốn. Sử kí Tư Mã Thiên vang danh thiên hạ chính là vì sự thật như vậy. Câu chuyện về 3 anh em thái sử nước Tề quyết dùng tánh mạng của mình để đánh đổi sự thật qua câu chuyện Thôi Trữ giết vua là một bài học muôn đời cho bất cứ ai cầm bút viết về lịch sử. Và sự kính trọng ở đây không dành cho học vị, học hàm đầy rẫy trước cái tên người viết sử, mà nó đến từ sự thật mà người viết chép ra.
Những năm gần đây, vô số diễn đàn, vô số bài viết, vô số giải pháp đề ra cho cái đề tài sự xuống dốc của học sinh đối với môn lịch sử nước nhà. Xem ra các bác ấy đã theo bóng bỏ hình rồi. Giá trị lớn nhất của lịch sử là sự thật, thế mà sự thật ấy phủ đầy định kiến của người biên soạn. Sự dối trá đến ngay từ cội nguồn sự thật như vậy, thử hỏi có hơi thở nào để môn lịch sử đơm hoa?
Một triết gia thất tình chán đời nào đó đã rưng rưng: "Lịch sử ba phần tư là bịa đặt,  một phần tư còn lại là định kiến" hẳn đã có đọc lịch sử Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét